Theo bà Woodward, việc học tiếng Anh là một hành trình dài và bà rất ấn tượng với động lực học của học sinh Việt Nam.
“Chúng tôi nhận thấy, người học tiếng Anh ở Việt Nam có động lực học rất cao. Động lực đó được thúc đẩy thêm bởi tầm nhìn dài hạn của Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT địa phương” - bà Francesca Woodward nhận xét tại sự kiện gặp gỡ báo chí tại Hà Nội vừa qua (9/10/2019). Theo bà Woodward, việc học tiếng Anh cần đến cả kỹ năng và động lực để thành công.
Bà Woodward nhận định, học tiếng Anh ở Việt Nam đang phát triển. “Làm việc với các chuyên gia giáo dục trên khắp thế giới nhưng Việt Nam luôn khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi sự nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng nơi đây – những nhân tố góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế phi thường của Việt Nam. Tôi tin rằng, những nỗ lực của các trường học và học sinh Việt Nam sẽ đảm bảo thế hệ nguồn nhân lực tương lai có trình độ tiếng Anh tốt và sẽ tiếp tục tạo ra những tác động trên tầm quốc tế” – bà Francesca Woodward nhấn mạnh.
Từ năm 2006, Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Cambridge (CAE) đã tổ chức các kỳ thi tiếng Anh Cambridge tại Việt Nam. Các kỳ thi dành cho trường học đem lại phương pháp cải thiện tiếng Anh có hệ thống cho hàng nghìn học sinh mỗi năm.
CAE cũng tham gia vào các dự án trọng điểm với Bộ GD&ĐT Việt Nam, bao gồm bồi dưỡng giáo viên và một nghiên cứu đề xuất chuẩn năng lực tiếng Anh với vai trò là một trong các giải pháp dài hạn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Bà Francesca Woodward cho biết, tháng 1 vừa qua, CAE ký Biên bản hợp tác với Đề án Ngoại ngữ quốc gia thuộc Bộ GD&ĐT, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng như các môn học khác được dạy bằng tiếng Anh.
CAE sẽ hợp tác cùng Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức hội thảo về giảng dạy và kiểm tra đánh giá tiếng Anh cho 63 sở GD&ĐT tại Thành phố Hồ Chí Minh. CAE cũng sẽ tập huấn kỹ năng giám khảo kỳ thi nói cho các giáo viên đủ điều kiện từ 63 tỉnh thành và cung cấp các khóa bồi dưỡng trực tuyến như một phần của hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn liên tục cho 31 tỉnh còn khó khăn, trong khuôn khổ hợp tác với Đề án Ngoại ngữ quốc gia. Những khóa bồi dưỡng này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.