Báo GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với ThS Phan Điệu,nguyên giảng viên Khoa Tiếng Anh - Trường ĐH Hà Nội, hiện giảng dạy TOEIC trong chương trình Jumping with TOEIC trên VTV 7, tác giả cuốn sách “Từ vựng luyện thi THPTQG” - NXB ĐHQG HN.
Chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới
* Thưa ThS Phan Điệu, trong xu thế toàn cầu hóa, thế giới đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vị trí và vai trò của tiếng Anh có thay đổi?
- Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếng Anh và công nghệ thông tin là cầu nối, chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới. Với các bạn HS, SV, những thế hệ tương lai của đất nước, việc học tiếng Anh lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Xác định được tầm quan trọng đó, nên hệ thống giáo dục của Việt Nam đã đưa tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với HS tiểu học. Tiếng Anh cũng là môn thi tốt nghiệp bắt buộc các cấp học.
Ở Việt Nam, các bạn nhỏ từ 3 tuổi trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã được đi học tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh mới chỉ là ngoại ngữ, chưa là ngôn ngữ thứ hai.
* Vậy làm thế nào để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của các bạn trẻ Việt Nam?
- Việc học và dạy tiếng Anh hiện nay đã có nhiều biến chuyển khá tích cực. Quá trình học tiếng Anh không chỉ ở trường mà còn ở nhà. HS có thể học mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều phương tiện khác nhau. Hiện nay, để tiếp cận với những nguồn tài liệu về phương pháp học và phương pháp giảng dạy cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Người học cũng có nhiều nhiều phương pháp khác nhau để lựa chọn như học online, trên YouTube, Facebook… và offline tại các trung tâm, các trường.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một khó khăn đối với cả người dạy và người học. Vì có quá nhiều nguồn, đôi khi khá khó hoặc mất thời gian để tìm ra một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy. Cũng chính vì lý do này mà có rất nhiều người học đang học ngoại ngữ với phương pháp chưa đúng, dẫn đến kết quả chưa được như mong đợi. Vì thế, các em phải biết cái nào lựa chọn phù hợp với mình. Nếu không tự lựa chọn có thể tham khảo tư vấn của thầy cô và chuyên gia.
Các em nên lưu ý, không phải có công nghệ mà quên sách giấy. Hiện tại các bạn hay dùng từ điển online. Đây là lựa chọn tốt nhưng không nên quên từ điển giấy vì khi học từ điển giấy, các em có thể nhìn nhanh các từ cùng gốc, các từ đứng gần nhau để biết thêm từ. Ngoài ra, các em có thể đánh dấu vào từ điển hay ghi chép nhanh vào vở khi dùng từ điển giấy, thay vì dễ bị xao nhãng khi dùng từ điển online.
Việc dùng bút ghi chép, đánh dấu trên từ điển giấy giúp khắc sâu trong não của mình. Các em nên đa dạng hoá, thay đổi hình thức học, có thể tự học, học theo nhóm, học online tại nhà, học offline tại các TT tiếng Anh. Qua các chuyên gia tư vấn, các bạn nên lựa chọn cho mình cơ sở đào tạo, trung tâm và phương pháp học phù hợp.
Điểm mới của đề thi TOEIC
* Thông báo chính thức từ IIG – đơn vị tổ chức thi TOEIC tại Việt Nam đưa ra cấu trúc đề thi TOEIC mới được áp dụng từ ngày 1/6/2019. Theo cô, điểm mới của đề thi TOEIC là gì để SV chú ý trong ôn luyện và làm bài?
- Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cập nhật bài thi TOEIC Nghe – Đọc để bảo đảm rằng bài thi phản ánh hình thức sử dụng tiếng Anh đương đại và đo lường được những kỹ năng ngôn ngữ mà người dùng đang cần. Với đề thi TOEIC, độ khó của các phần không thay đổi nhưng số lượng và dạng câu hỏi trong từng phần có chút khác nhau.
Với phần nghe hiểu có tăng/ giảm số lượng câu hỏi: Part 1 (Photograph): Từ 10 giảm còn 6 câu; Part 2 (Question Response): Từ 30 giảm còn 25 câu; Part 3 (Conversations): 30 câu tăng lên 39 câu. Thay đổi dạng câu hỏi: Part 3 và 4 có thêm các câu sử dụng hình ảnh/bảng biểu.
Thời gian giữa các câu hỏi: Part 3, 4 các câu có hình ảnh – 12 giây (các câu thông thường là 8 giây). Dạng câu hỏi: Part 3, 4 một số câu có hình ảnh/ bảng biểu để kiểm tra kỹ năng tổng hợp Nghe – Đọc; một số câu kiểm tra khả năng hiểu ẩn ý của người nói. Có nhiều hơn 2 người nói trong mỗi đoạn hội thoại (2 - 3 người nói/đoạn hội thoại).
Phần TOEIC Đọc hiểu: Giảm số lượng câu hỏi phần Part 5: Từ 40 còn 30 câu. Tăng số lượng câu hỏi Phần Part 6: Từ 12 lên 16 câu.
Có 1 loại câu hỏi về hiểu ý tổng quát của cả đoạn: Tìm 1 câu thích hợp để điền vào vị trí trống. Bài đọc có thêm dạng văn bản là đoạn online chat/tin nhắn với nhiều người viết. Tăng số lượng câu hỏi Phần Part 7: Từ 48 lên 54 câu.
Đọc hiểu có kiểm tra khả năng tổng hợp, kết nối thông tin từ 3 văn bản để trả lời các câu hỏi đi kèm. Loại câu hỏi về nghĩa từ trong văn cảnh. 1 loại câu hỏi về hiểu ý tổng quát của cả đoạn: Điền câu vào vị trí thích hợp trong mỗi đoạn.
Bài thi TOEIC (Speaking & Writing) đánh giá trực tiếp hai kỹ năng Nói và Viết. Bao gồm 2 phần: Phần thi Speaking (Giao tiếp nói) gồm 11 câu hỏi, thực hiện trong 20 phút và phần thi Writing (Giao tiếp Viết) gồm 8 câu, thực hiện trong 60 phút.
Điểm của bài thi TOEIC (S & W), bao gồm hai điểm độc lập: Điểm của phần thi giao tiếp Nói và điểm của phần thi giao tiếp Viết. Mỗi phần thi sẽ có thang từ 0 đến 200 điểm. Sau khi có kết quả, thí sinh sẽ nhận được phiếu điểm TOEIC (Score report) riêng của từng phần.
Luyện tập thông qua các ngữ cảnh, tình huống
* Để hòa nhập với xu hướng giáo dục trong thời 4.0, theo cô, cần thay đổi phương pháp dạy và học theo tiêu chuẩn mới như thế nào?
- Trước đây, hầu hết GV dạy theo phương pháp truyền thống, dạy lý thuyết sau đó cho HS làm bài tập. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy nếu dạy lý thuyết thì các em sẽ quên nhanh, đặc biệt là dạy ngoại ngữ.
Trong quá trình giảng dạy từ vựng hay các cấu trúc ngữ pháp, nên lấy ví dụ trước rồi mới cho SV làm bài tập. Đối với việc học các kỹ năng tiếng, cần cho các em học từ thực hành, cùng sửa lỗi phát âm và luyện tập thông qua các ngữ cảnh, tình huống giao tiếp với SV.
Với đa số SV, học tiếng Anh thông thường thì nói và viết là hai kỹ năng sản xuất thông tin, là kỹ năng khó, khiến các em e ngại, sợ sai nên ít thực hành nhất. Và đây là một vấn đề chung của tất cả mọi người. Lý do không chỉ mang tính chất cá nhân như lười học hay là do năng lực yếu kém mà còn do các em chưa có môi trường thực hành giao tiếp tiếng Anh, hoặc khó tìm kiếm một đối tác nói tiếng Anh.
Không có ai sửa lỗi phát âm, dùng từ, lựa chọn cấu trúc ngữ pháp hay cách diễn đạt, tổ chức ý tưởng trong khi nói và viết bằng tiếng Anh. Do đó, tôi chọn hướng tiếp cận mới là cho SV thực hành nhiều hơn, tăng cơ hội cho các em giao tiếp với nhau và với thầy cô bằng tiếng Anh trên lớp. Khuyến khích các em tìm kiếm cơ hội để gặp gỡ và giao tiếp với người nước ngoài, bởi học ngoại ngữ phục vụ mục đích cuối cùng dùng nó là công cụ để giao tiếp, trao đổi thông tin.
* Xin trân trọng cảm ơn cô!