Trong năm học này, chương trình tiểu học và THCS Trung Quốc sẽ bổ sung môn học mới tập trung vào kỹ năng thực tế như dọn dẹp và nấu ăn.
Cụ thể, theo thông báo từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm 2022 – 2023, mỗi tuần học sinh sẽ học ít nhất một buổi về kỹ năng làm việc nhà. Mục tiêu khóa học nhằm giúp học sinh trực tiếp trải nghiệm các kỹ năng như nấu ăn, sửa chữa đồ dùng gia dụng, nuôi thú cưng, trồng rau...
Môn học mới nằm trong chương trình giáo dục lao động trong giáo dục bắt buộc. Tiêu chuẩn gồm ba loại công việc: Công việc hàng ngày như dọn dẹp, sắp xếp và nấu ăn; lao động nông nghiệp hoặc sản xuất như trồng rau và làm đồ thủ công; dịch vụ như công việc tình nguyện.
Chị Song Xiaoning, phụ huynh Trung Quốc có con học lớp một tại thủ đô Bắc Kinh, bày tỏ mong đợi vào những kiến thức trong chương trình giáo dục lao động. Bà mẹ đánh giá chương trình học mới sẽ giúp học sinh yêu và trân trọng những công việc lao động chân tay cùng tinh thần làm việc chăm chỉ.
“Con bé phụ thuộc nhiều vào bố mẹ và thầy cô. Tôi muốn con học cách tự làm mọi việc và trở nên độc lập hơn”, chị Song bày tỏ.
Tại Trường Tiểu học Zhenjiang Zhongshan Road, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cô giáo Liu Peipei cho biết, môn học đầu tiên trong năm học mới là cách phân biệt và chăm sóc các loại rau trồng trong vườn trường.
“Trước đây, nhà trường từng hướng dẫn học sinh chuẩn bị một số món ăn đơn giản. Với sự giúp đỡ của phụ huynh, nhiều em có thể nấu những món cầu kỳ hơn như gà rán hay làm bánh Trung thu”, cô Liu nói.
Cô Hao Yufang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chunguang, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, cho biết, các tiết học lao động đã trở thành môn học yêu thích của nhiều học sinh Trung Quốc. Tuỳ vào độ tuổi, các em sẽ học các kỹ năng thực tế khác nhau như dọn dẹp, sắp xếp, làm vườn và nấu ăn.
Để các tiết học trở nên thú vị hơn, nhà trường đã tổ chức cuộc thi gấp quần áo cho học sinh lớp 1 và lớp 2, cuộc thi bóc tỏi cho học sinh lớp 3 và lớp 4, cuộc thi nấu ăn cho học sinh lớp 5 và lớp 6. Trường cũng quy định học sinh lớp 1 phải tự dọn dẹp lớp học.
“Dù học sinh làm chưa tốt và giáo viên phải dọn dẹp lại nhưng điều quan trọng là các em hiểu được tầm quan trọng của lao động chân tay với mỗi người”, cô Hao cho biết.
Thầy giáo Cui Shifeng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hefei Hupo Mingcheng, tỉnh An Huy, nhận định, giáo dục lao động dạy học sinh tôn trọng lao động và hiểu rằng lao động có thể tạo nên hạnh phúc.
Nhà trường đã tổ chức cho học sinh Trung Quốc tham quan các cơ sở canh tác để hướng dẫn các em quy trình trồng lúa. Với sự hướng dẫn của giáo viên và người có chuyên môn, học sinh đã học từ cách gieo hạt đến gặt lúa. Các em cũng thu gom rác và giúp đỡ những người cao tuổi địa phương làm việc nhà.
“Các tiết học lao động không thể dễ dàng hoặc hời hợt. Học sinh cần phải nỗ lực thực sự và đổ mồ hôi khi lao động, từ đó giúp trau dồi ý chí mạnh mẽ, tính kiên trì và tinh thần đồng đội”, thầy Cui cho biết.