Học sinh trở lại trường: Nới lỏng để thích ứng

GD&TĐ - Thời gian đầu học sinh tới trường, giáo viên cần nới lỏng, để các em thích ứng lại với sinh họat, học tập ở trường. Việc đuổi kịp chương trình, hay kiểm tra khảo sát kiến thức là không nên.

Thầy cô nên dành thời gian trò chuyện và tư vấn tâm lý cho học sinh trong những ngày đầu đến trường (ảnh minh hoạ).
Thầy cô nên dành thời gian trò chuyện và tư vấn tâm lý cho học sinh trong những ngày đầu đến trường (ảnh minh hoạ).

Thầy cô nên dành thời gian nhất định cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Xáo trộn tâm lý thời Covid

Chị Phạm Thị Huyền Trang (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) có 2 con trai đang học lớp 6 và lớp 9 tại một trường THCS trong quận. Thời gian nghỉ học dài ngày do dịch bệnh, các con buộc phải học trực tuyến cùng cô. Gia đình chị không đặt kỳ vọng cao ở chất lượng giáo dục khi học online vì thế rất nôn nóng cho con đi học trực tiếp.

Theo chị Trang, chất lượng cuối cấp để thi vào lớp 10 là một áp lực tâm lý lớn với con trai cả. Và ổn định chương trình, nắm bắt kiến thức cơ bản rất quan trọng với con thứ 2, bởi năm nay là năm đầu tiên các con học sách theo chương trình mới.

Nhưng điều gia đình chị Trang lo lắng nhất là các con có biểu hiện trầm tính, thu mình và chỉ thích không gian riêng cùng chiếc điện thoại và máy tính.

“Con học online nhiều nên gia đình không thể cấm sử dụng thiết bị điện tử. Ban ngày con học cũng là lúc bố mẹ đi làm nên không thể quản lý. Vì thế, các con chơi game nhiều. Lắm khi bố mẹ gọi mãi mới thưa, tính tình lầm lỳ và hay cáu gắt”, chị Tranh cho hay.

Được học tập và tham gia các hoạt động ngoại khoá sẽ giúp học trò thêm hào hứng.
Được học tập và tham gia các hoạt động ngoại khoá sẽ giúp học trò thêm hào hứng.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Chân chia sẻ: Trẻ nghỉ học ở nhà nảy sinh nhiều vấn đề khiến thầy cô lo lắng (biểu hiện tâm lý của các em). Việc quay trở lại trường học là cần thiết để các em được phát triển đúng nghĩa với tâm lý, lứa tuổi học trò.

Để các nhà trường làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ tâm lý lứa tuổi cho học sinh khi quay lại trường, Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có buổi tập huấn trực tuyến cho các nhà trường vào ngày 11/2.

Trong buổi tập huấn, bà Nguyễn Thuý Liễu, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT nhận định: Lứa tuổi học sinh phổ thông, các em có những đặc trưng tâm lý về cảm xúc, hành vi và nhận thức như: khả năng học tập và sáng tạo; đam mê công nghệ và có xu hướng lạm dụng công nghệ và mạng xã hội; thích thể hiện cá tính, sự khác biệt; có những bất ổn trong tâm tư, tình cảm.

Điều này dẫn đến những mâu thuẫn trong giao tiếp, ứng xử giữa bạn bè, bạo lực học đường; sự dễ dàng tiếp cận với các chất kích thích như, thuốc lá, thuốc lá điện tử….

 Theo nhiều chuyên gia, Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tâm lý con người, khiến chúng ta dễ mắc phải những vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn. Từ những đặc trưng tâm lý của lứa tuổi học sinh phổ thông, cho thấy môi trường xã hội có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em.

Vì thế khi được hỏi, đa phần học sinh đều thể hiện sự hào hứng, nhưng không khỏi lo âu, sợ hãi về nguy cơ nhiễm bệnh.

Em Trần Đức Duy, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Ngô Quyền, quận Lê Chân cho biết: Năm cuối cấp, em và các bạn lo lắng về chất lượng các môn học. Đi học trực tiếp tốt hơn nhiều nhưng chúng em cũng ngại rằng dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vì thế, với những học sinh còn được đến trường đều phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch để bảo vệ sức khoẻ bản thân.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An trong hoạt động ngoại khoá (ảnh tư liệu).
Học sinh Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An trong hoạt động ngoại khoá (ảnh tư liệu).

Giúp trò thích ứng

Để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn nhất có thể đối học sinh khi quay trở lại trường, theo bà Liễu, có nhiều việc phải làm. Công tác chuẩn bị trường lớp, các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch; phương án, kịch bản dự phòng để xử lý tình huống phát sinh theo yêu cầu của ngành y tế. Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe cho học sinh là những yếu tố hết sức quan trọng để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho các em.

Đảm bảo an toàn học sinh, để phụ huynh, nhân dân an tâm với việc cho trẻ quay trở lại học, các nhà trường phải chú ý: Trường lớp khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên; thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp, việc chung sống với môi trường dịch bệnh là tất yếu, các thầy cô cần lạc quan, tin tưởng, chăm sóc bản thân. Đồng thời lan toả tinh thần tích cực đến với học sinh.

Không được chủ quan lơ là, nhưng cũng không căng thẳng, hoảng hốt, quá mức. Cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Không nên cấm học sinh tương tác với các bạn trong lớp sẽ dẫn đến cực đoan tâm lý cho các em.

Thời gian đầu học sinh tới trường, giáo viên cần nới lỏng, để các em thích ứng lại với sinh họat, học tập ở trường. Việc đuổi kịp chương trình, hay kiểm tra khảo sát kiến thức là không nên. Thầy cô dành một lượng thời gian nhất định cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Học sinh Trường THCS Cát Bà, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải trong buổi sinh hoạt ngoại khoá tìm hiểu về Luật Trẻ em và Luật Phòng chống cháy nổ.
Học sinh Trường THCS Cát Bà, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải trong buổi sinh hoạt ngoại khoá tìm hiểu về Luật Trẻ em và Luật Phòng chống cháy nổ.

Bà Nguyễn Thuý Liễu nhấn mạnh: Sức khoẻ thể chất của học sinh thời gian này quan trọng hơn cả. Lúc này cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với mọi hoạt động tại trường học.

Thầy cô thường xuyên trao đổi với học sinh về những lo âu khi quay lại trường. Chia sẻ cho các em những kỹ năng phát hiện và ứng phó với dịch bệnh. Cùng các em giải đáp những băn khoăn, thắc mắc. Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý.

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định: Cho học sinh quay lại trường lúc này là phù hợp, song hành với việc phát triển kinh tế xã hội. Ngành Giáo dục không cầu toàn về mặt chất lượng, hay mong muốn kết quả giáo dục phải cao nhất mà cố gắng để học sinh không bị thiệt thòi về mặt kiến thức cơ bản và cốt lõi. Thời điểm này, các nhà trường tập trung làm tốt công tác phòng dịch, ổn định lớp học, rèn nền nếp, nội quy, rà soát bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thời tiết hôm nay 18/9: Cả nước có mưa

Thời tiết hôm nay 18/9: Cả nước có mưa

GD&TĐ - Dự báo thời tiết hôm nay (18/9), Bắc Bộ mưa rào, có nơi mưa to; Trung Bộ mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; Nam Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to.