Từ gói gia vị mỳ tôm đến bữa trưa ở Nhật

GD&TĐ - Ở Nhật Bản, bữa ăn trưa của trẻ nhỏ rất chú trọng sự cân bằng giữa thực phẩm và dinh dưỡng. Mỗi bữa trưa là lúc để giáo dục sự hiểu biết, lối sống lành mạnh, trách nhiệm công dân cho trẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam nếu không có chế tài đủ mạnh sẽ không thể bảo đảm chất lượng bữa trưa trường học (BTTH).

Bữa trưa tại trường của HS Nhật Bản. Ảnh: Internet
Bữa trưa tại trường của HS Nhật Bản. Ảnh: Internet

Những e ngại khó nói

Một người mẹ có con học trường cấp một ở quận Ba Đình kể: Con chị suốt cấp tiểu học, nhất là lớp 4, 5, rất khó khăn với bữa trưa ở trường. Thỉnh thoảng cháu xin mẹ gói bột gia vị be bé lấy trong gói mỳ tôm mang đến lớp để rắc vào cơm trưa cho dễ ăn. Bữa tối ở nhà, cháu nhất định không ăn cá suốt một thời gian dài. Đến một ngày mẹ vừa dỗ dành vừa dọa nạt, cháu ăn thử từng chút một và nhận ra món cá của mẹ rất ngon, nên đồng ý ăn lại.

Những điều đó khiến người mẹ suy nghĩ nhiều, chị vẫn tự bảo rằng con mình khó ăn. Nhưng không phải không có lúc chị e ngại, phải chăng chất lượng thực phẩm ở trường không tốt. Mặc dù, cũng có một vài phụ huynh phàn nàn rằng con họ kêu ca về thức ăn ở trường, nhưng không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra. Bản thân chị cũng như mọi người chỉ biết tin vào các cam kết của trường mà thôi.

Tham khảo bạn bè, một người bạn có con học tại một ngôi trường tư thuộc loại mở đầu tiên ở Hà Nội cho biết, cơm trưa ở trường rất ngon, các con ăn rất hào hứng. Bữa ăn được nấu ngay tại trường. Bếp ăn, trang thiết bị dụng cụ được đầu tư và luôn nâng cấp. Thực phẩm đầu vào được kiểm soát sạch sẽ, các tiêu chuẩn vệ sinh được duy trì nghiêm ngặt. Cán bộ bán trú và nhà bếp hàng năm được trang bị kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại bếp ăn tập thể.

Đã có rất nhiều các vụ vi phạm nghiêm trọng ATVSTP bữa ăn trong nhà trường. Vụ thịt lợn có sán ở Bắc Ninh mới đây, hay trước đây là việc thức ăn có giòi ngay ở một trường phổ thông giữa Hà Nội, rồi các vụ đưa thịt, rau ôi thiu vào trường bị phát giác... Tất cả khiến phụ huynh không thể không đặt câu hỏi về chất lượng bữa ăn của các con. Liệu những vụ bị phát giác có phải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?

Một đầu bếp trường học cho biết: Có quy định về chứng nhận ATVSTP với các nhà cung cấp, nhưng cũng khó đảm bảo là có lúc họ không đánh tráo rau thịt mua ở chợ đầu mối và hô biến thành thực phẩm sạch. Nguyên liệu đầu vào ngon quyết định chủ yếu đến chất lượng bữa ăn cho trẻ nhỏ. Chị cũng có lúc nghi ngờ chất lượng thực phẩm đầu vào ở ngôi trường mình đang làm việc tại một huyện của Hà Nội, nhưng cũng chỉ là nghi ngờ vậy thôi.

Các em HS tự phục vụ lẫn nhau. Ảnh: Internet
  • Các em HS tự phục vụ lẫn nhau. Ảnh: Internet

Bữa trưa cân bằng ở Nhật

Hỏi chuyện một người mẹ Việt đang sinh sống tại Nhật, chị nói chưa bao giờ chị phải đặt câu hỏi về chất lượng ATVSTP ở trường con. Con chị bao giờ cũng hào hứng với những bữa ăn ở trường - từ mẫu giáo là một bữa chính hoặc hai bữa phụ. Bữa chính của các con rất đơn giản, gồm một món rau, một món thịt hoặc cá với cơm, ăn xong có tráng miệng. Bữa phụ sáng và chiều có thể là bánh kem, khoai lang luộc, sữa, chuối, nhưng lượng rất ít.

Có hôm chị đến trường học cùng con xem bữa phụ, chị trố mắt vì thấy chỉ có 2 miếng khoai lang bằng đầu ngón tay. Song chị rất yên tâm bởi các bữa ăn ở trường đều tính chặt chẽ lượng calorie cần thiết, thậm chí cả đồ ăn sẵn hay trên menu ở quán cơm cũng ghi rõ lượng calorie trên bao bì. Và quan trọng là chị thấy con mình, cũng như trẻ em ở Nhật nói chung, không to béo nhưng khỏe, bạn nào cũng rất nhanh nhẹn và hào hứng vận động.

Bữa ăn trường học ở Nhật thực sự là một câu chuyện nổi tiếng và được đánh giá là một trong những BTTH lành mạnh nhất thế giới. Tờ Japan Times gọi BTTH là một trong những “niềm tự hào quốc gia”. Để có bữa ăn lành mạnh, ngon miệng, giá cả chấp nhận được cho các phụ huynh, Nhật Bản giải quyết được tất cả bằng một hệ thống mà họ miêu tả là hoàn toàn thông thường.

Bữa ăn trưa của trẻ nhỏ ở Nhật Bản rất chú trọng sự cân bằng giữa thực phẩm và dinh dưỡng. Đó là một phần quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ. Từ trường tiểu học, trẻ đã được dạy để hiểu rằng thực phẩm ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc, suy nghĩ trong ngày của mình, và thậm chí đến cả cuộc sống của mình.

Hầu hết các trường có các chuyên gia dinh dưỡng, họ đưa ra công thức nấu ăn, thực đơn hàng tháng, tính toán bữa ăn dinh dưỡng, làm việc với những trẻ khảnh ăn hoặc ăn uống không lành mạnh. Bữa ăn còn là lúc để trẻ học về trách nhiệm, khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, tính tiết kiệm, kỷ luật. Ở cả cấp tiểu học và trung học, chính học sinh là người phục vụ. Các em mặc áo choàng trắng, đội mũ trắng như đầu bếp để phục vụ các bạn cùng lớp. Các em ăn trong lớp, một bữa ăn giống nhau, nghĩa là được dạy để làm quen với mọi loại thức ăn, và phải ăn hết không được bỏ thừa. Ở trường không có máy bán hàng tự động. Ở hầu hết các quận, trẻ em không được mang đồ ăn đến trường cho tới khi học cấp 3. Trẻ ăn xong tự dọn dẹp khay ăn của mình.

Thật khó so sánh, nhưng câu chuyện BTTH ở Nhật hẳn là một sự tham khảo hữu ích. Chúng ta đã nói nhiều về lương tâm, trách nhiệm của nhà trường và đối tác cung cấp thực phẩm. Nhưng như vậy không đủ. Việc hám lợi đã khiến đây đó có những nhà cung cấp đưa vào trường thực phẩm chất lượng kém, nhà trường thiếu trách nhiệm giám sát hay bao che, bất kể những khẩu hiệu như “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.