- Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới, trong đó dư luận quan tâm nhiều đến việc bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy và học trở thành một nhu cầu cần thiết trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng 4.0. Để đáp ứng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng như nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục thì các thiết bị công nghệ là một công cụ không thể thiếu. Các thiết bị đó có thể là máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh...
Tôi rất ủng hộ nội dung được đưa ra trong thông tư 32: Cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động phục vụ cho học tập khi được sự cho phép của giáo viên. Khi đó, điện thoại di động được sử dụng với mục đích như là một chiếc máy tính hoặc máy tính bảng, giúp thầy và trò được đặt trong cùng một hệ sinh thái công nghệ thông tin (CNTT), giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục.
Và rõ ràng, khi không thể trang bị cho học sinh máy tính xách tay thì việc sử dụng điện thoại di động (điện thoại di động) là một giải pháp tốt.
- Quyết định này của Bộ GD&ĐT khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy, với cương vị người quản lý trực tiếp tại nhà trường, ông thấy điều này có đáng ngại?
Theo tôi, nếu mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo có những giải pháp quản lý, giám sát để học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, đồng thời cũng thiết kế các hoạt động giáo dục để học sinh có cơ hội cũng như nhu cầu sử dụng ĐTDĐ như là một công cụ hỗ trợ, nâng cao hiệu quả học tập thì khi đó CMHS không có gì phải lo lắng.
- Nhiều người cho rằng, nếu đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ khiến giáo viên rất khó kiểm soát sự tập trung hay việc sử dụng điện thoại hiệu quả? Vậy theo ông, mấu chốt của vấn đề sử dụng CNTT trong dạy học nằm ở đâu?
Việc kiểm soát để học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích đòi hỏi các nhà trường cần đưa ra các quy định, quy chế rõ rang. Cùng với đó phải tập huấn cho giáo viên kỹ năng sử dụng CNTT, trang bị cho giáo viên, học sinh những phần mềm, công cụ CNTT phù hợp... Và tôi nghĩ rằng, mấu chốt nằm ở chỗ phải đặt nhà trường vào trong cùng một hệ sinh thái CNTT, sau đó rút kinh nghiệm và cải thiện nâng cao hiệu quả dần dần trong quá trình sử dụng.
- Xin ông chia sẻ cụ thể về việc “cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp” đã được nhà trường triển khai từ trước khi có Thông tư 32?
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa của chúng tôi từ nhiều năm đã đặt CNTT là nội dung quan trọng, mấu chốt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả giáo dục. Chúng tôi có quy chế cụ thể, phân công trách nhiệm để kiểm soát việc sử dụng điện thoại đúng mục đích. Học sinh chỉ được dùng điện thoại khi được giáo viên bộ môn cho phép và phục vụ cho học tập, kiểm tra đánh giá.
- Theo ông, liệu việc cho phép (khuyến khích) tra cứu điện tử có ảnh hưởng gì đến việc chủ động nghiên cứu, chiếm lĩnh tri thức của học sinh và liệu có làm giảm vai trò của Thư viện?
Không thể phủ nhận việc tra cứu điện tử có nhiều lợi ích vượt trội so với tra cứu tư liệu giấy, đặc biệt là về tốc độ và sự chia sẻ. Tuy nhiên, có những điều mà sử dụng CNTT trong tra cứu tư liệu điện tử không thể thay thế sử dụng tư liệu giấy. Cho nên, để vai trò của thư viện không bị ảnh hưởng, các nhà trường cần phải thiết kế những hoạt động giáo dục, những nội dung phù hợp và những hoạt động của thư viện. Ở trường chúng tôi, có đưa nội dung văn hóa đọc thành nội dung giảng dạy chính thức.
- Trân trọng cảm ơn ông.