Chia sẻ về mục đích ra đề văn này, thầy Nguyễn Văn Lự cho biết: Mong muốn của tôi là giúp học sinh ôn tập về làm văn, các kỹ năng chung của bộ môn như đọc hiểu, dùng từ, diễn đạt, viết câu, dựng đoạn; đồng thời chọn vấn đề có tính thời sự là dịch nCoV nhằm 3 mục đích: truyền thông về bệnh dịch, hành động bảo vệ mình và cộng đồng, cuối cùng là ôn kiến thức và rèn kỹ năng nghị luận.
“Đa số học sinh bày tỏ hứng thú với đề văn này. Vấn đề nCoV thiết thực, gần gũi, được nhiều người quan tâm và hợp lí với các em. Nội dung hỏi cũng nhẹ nhàng, dễ làm đúng, không cần học cũng viết được. Một số học sinh chia sẻ như vậy” – thầy Lự cho hay.
Trong đề bài này, câu hỏi 5 điểm nghị luận văn học cũng là mới với cách hỏi mở và cảm xúc của học sinh sẽ không bị bó trong ý tứ của bài học trên lớp.
Khi được hỏi về giải pháp giúp học sinh hứng thú học văn ở trường cũng như ở nhà, thầy Lự cho rằng, nhiều người đã có ý kiến, nhưng đa phần thầy cô áp đặt lượng bài, lượng kiến thức và ai cũng quan trọng hóa môn của mình.
“Giữa bão nCoV, trò lo học, lo bệnh dịch, lo bị bố mẹ quản, nhàn rỗi mà hóa mệt hơn đi học. Giải pháp tạo tâm thế tốt cho học sinh, cuốn các em vào học các môn là nêu chủ đề, để học sinh tự học, viết thu hoạch ngắn gọn, nộp khi đến trường, thầy ghi điểm chuyên cần” – thầy Lự cho biết.
Tuy nhiên, với học sinh không bị quản chặt, chưa có ý thức học thì rất khó. Với đối tượng này, thầy Lự chọn cách kêu gọi tính tự giác, chuẩn bị bài soạn hoặc viết một vài bài, làm một số đề theo đề thi chuyên đề học sinh tự chọn hoặc viết lại bài kiểm tra. Nộp bài cho thầy chữa và chấm.
“Cách nữa là theo số điện thoại và email thầy cho từ đầu năm, các em cứ hỏi, cứ gọi để trao đổi bài trực tiếp. Khuyến khích ghi điểm thường xuyên và chia sẻ tài liệu, sẵn sàng trao đổi bài là cách tôi làm” – thầy giáo tâm huyết chia sẻ.