Đây là hoạt động thường niên được Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức nhiều năm qua, mang đến trải nghiệm thú vị, mới lạ cho học sinh.
Tham gia hội thi có 150 học sinh thuộc các khối 6-7 và 8-9 trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Hội thi có 2 nội dung: Hoạt động trải nghiệm và hoạt động sáng tạo.
Ở hoạt động trải nghiệm, học sinh được cho tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Đây là một phương cách giúp học sinh hiểu về lịch sử, nhìn nhận giá trị lịch sử theo góc nhìn riêng của tuổi trẻ. Từ đó các em có thể làm tốt đề thi ở phần hoạt động sáng tạo.
Một trong những điểm mới của năm nay là thí sinh được tự do chọn chỗ ngồi thực hiện bài viết văn. |
Học sinh được tham quan bảo tàng 1 tiếng, sau đó, các em trở về Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 để làm bài thi. Đề thi được ra liên quan đến chuyến trải nghiệm vừa rồi. Đề thi khối 6-7 và khối 8-9 khác nhau ở phần sáng tạo.
Bài viết phải đảm bảo được 2 yếu tố Văn hay và Chữ tốt. Văn hay thể hiện ở việc học sinh nắm vững kỹ năng làm bài, vận dụng phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận. Các em biết phát hiện, rung động trước các vẻ đẹp, thể hiện được khả năng quan sát, cảm xúc, góc nhìn riêng. Bên cạnh đó, bài thi phải có chữ viết đẹp, rõ ràng, nét bút mềm mại, trau chuốt, thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật viết chữ…
So với năm ngoái, hội thi năm nay có nhiều điểm mới, tạo ra sự kết nối ở nhiều phương diện, kết nối giữa trải nghiệm và sáng tạo, kết nối giữa các môn học lịch sử và ngữ văn, kết nối giữa người trẻ và quá khứ.
Mặt khác hội thi góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương cho học sinh bằng cách tạo ra một không gian quan sát, suy ngẫm mới, khi thay đổi góc nhìn, không chỉ nhìn lịch sử qua những trang sách giáo khoa, qua những tài liệu in ấn mà còn nhìn lịch sử trong không gian trưng bày của bảo tàng, qua những hiện vật cổ xưa. Qua đó học sinh sẽ hiểu hơn về chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam, thổi hồn vào những trang văn bằng trải nghiệm của chính mình.
Ngoài việc giúp học sinh thêm yêu văn chương và nghệ thuật viết chữ, hội thi còn giúp học sinh hiểu thêm và yêu thêm lịch sử của đất nước, dân tộc.
Thí sinh cẩn thận ghi chép thông tin được cung cấp tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. |
Em Võ Phạm phương Thảo, học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Thành Công (huyện Nhà Bè) rất thích thú khi được tham dự hội thi năm nay. Thảo cho biết hội thi là sân chơi bổ ích để học sinh có thể tỏa sáng theo cách riêng của mỗi người. Hình thức tổ chức thi năm nay khá mới lạ, không chỉ diễn trong sân trường với không gian bó hẹp mà được tổ chức thêm tại bảo tàng.
“Sau khi tham quan bảo tàng, em và các bạn có cơ hội hiểu và yêu thêm lịch sử qua việc nhìn ngắm những hiện vật cụ thể. Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng để em viết văn, bởi văn không chỉ có trên sách vở, văn chính là cuộc sống là những gì chúng em đang được trải nghiệm”, Thảo thổ lộ.
Phạm Thái Bảo, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ) lần đầu tiên được đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM, em rất vui. Thái Bảo cho biết: “Do nhà xa nên sáng nay em khởi hành từ 5 giờ 30 sáng, cảm xúc hân hoan, rất háo hức tham gia cuộc thi. Em ngạc nhiên trước phần giới thiệu của robot thông minh, tự hào về lịch sử Việt Nam với nhiều anh hùng đứng lên trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm Bắc thuộc”.
Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT TPHCM), Hội thi “Văn hay chữ tốt” nhằm hướng đến việc tạo ra môi trường học tập, giao lưu, vui chơi cho các em học sinh THCS có đam mê sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ. Qua quá trình viết văn hay và rèn chữ đẹp, học sinh hình thành năng lực văn chương và phát huy các phẩm chất tốt đẹp.