TPHCM xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học

GD&TĐ - Ngày 7/2 Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học trên địa bàn.

Tiết học của giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).
Tiết học của giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Thiếu hơn 3.500 giáo viên tiểu học

Cuộc họp lấy ý kiến dự thảo Đề án thu hút giáo viên tiểu học có sự tham gia của đại diện phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng hiệu trưởng 22 trường tiểu học trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, chỉ riêng năm học 2022-2023, toàn thành phố có tổng cộng 663.426 học sinh tiểu học. Căn cứ theo điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, tổng số lớp phải là 18.955 lớp, số lượng giáo viên tiểu học căn cứ tỉ lệ 1.5 giáo viên/lớp phải đạt 28.432 giáo viên.

“Tính riêng trong năm học này, TPHCM đã thiếu 1.758 lớp học/phòng học và thiếu 3.643 giáo viên ở cấp tiểu học. Số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu tại TPHCM tương đương 12.8% số lượng giáo viên cần có. Nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12.8%”, ông Hoàng cho hay.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Cũng theo chia sẻ của ông Hoàng, từ năm học 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục. Lý do giáo viên rời khỏi ngành là do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ việc,...

Cụ thể, số cán bộ quản lý rời khỏi ngành giáo dục tương đương 16,20%. Số giáo viên tiểu học không còn công tác trong ngành giáo dục tương đương 10,01%.

Đáng chú ý là số lượng giáo viên nhiều môn trong ba năm qua được tuyển dụng gần đủ với nhu cầu tuyển dụng, nhưng các giáo viên còn lại số lượng tuyển thiếu nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là giáo viên các môn Mĩ thuật, Tin học và Tổng phụ trách. Số lượng này tuyển dụng được chỉ đạt xấp xỉ 10% so với nhu cầu cần tuyển. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ là rất cao, tuy nhiên số lượng giáo viên ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu.

Cần có chính sách quan tâm

Báo cáo của phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM cũng chỉ ra thực tế chế độ làm việc và chế độ chính sách dành cho đội ngũ giáo viên tiểu học còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Giáo viên tiểu học có đặc thù là phải dạy nhiều môn và vừa phải làm công tác chủ nhiệm. Đồng thời có những giáo viên phải kiêm nhiệm các chức danh khác như khối trưởng chuyên môn, tổng phụ trách, Bí thư Chi Đoàn, Chủ tịch Công đoàn,…

Số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn. Ngoài công việc giảng dạy chính khóa, giáo viên còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia; hỗ trợ công tác Đoàn-ĐộI, các phong trào, hội thi… Giáo viên phải thực hiện kế hoạch, báo cáo, các hồ sơ sổ sách, liên hệ, trao đổi phụ huynh về tình hình học tập của học sinh.

Đối với các giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, mỗi giáo viên nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần. Giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy, do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo. Cá biệt, theo báo cáo này, có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học).

Báo cáo cũng nêu rõ, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ở cấp tiểu học, hoạt động dạy buổi 2 trở thành hoạt động bắt buộc và không được thu phí. Giáo viên các khối lớp thực hiện theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 dần dần không có được thu nhập từ dạy buổi 2.

Cũng trong sáng nay, các thầy cô, đại diện các phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức và đại diện các trường tiểu học tại TPHCM cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về các chính sách đối với giáo viên tiểu học.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua TP thiếu giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc. Các trường tiểu học, các phòng GD&ĐT phải xoay xở bằng cách mời giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng. Việc tổ chức các buổi họp lắng nghe các ý kiến, xây dựng dự thảo đề án thu hút giáo viên tiểu học rất quan trọng.

Cũng theo ông Nam, ngành GD&ĐT TPHCM phát triển không ngừng, đóng góp nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế… Tuy nhiên cũng có thực tế việc tuyển dụng và giữ chân đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hoạt động giáo dục cấp tiểu học gặp nhiều khó khăn, do không tuyển dụng được nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoặc đã tuyển dụng xong nhưng nghỉ việc do thu nhập khởi điểm còn thấp.

“Chính vì vậy, việc xây dựng đề án chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học, nhằm thu hút giáo viên cấp học này tại TPHCM là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Nam nhấn mạnh.

“Cần phải có chính sách cho giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ giáo viên. Trong đó quan trọng nhất vẫn là chính sách hỗ trợ về tài chính. Theo thống kê thu nhập bình quân ở TPHCM là hơn 6 triệu một người/ tháng, trong khi đó giáo viên hợp đồng hơn 3 triệu 300 ngàn đồng, thấp hơn mức chi tiêu bình quân của TP là 3 triệu 9”, ông Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.