(GD&TĐ) - Các bài thi trắc nghiệm của Chương trình đánh giá quốc tế kết quả học tập của học sinh (PISA) do Tổ chức hơp tác kinh tế và phát triển (OECD) thực hiện được công nhận là một trong những khảo sát chất lượng giáo dục có uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Đối tượng khảo sát chính là học sinh phổ thông 15 tuổi. Mục tiêu của chương trình không chỉ là đánh giá trình độ kiến thức đã thu được ở trường phổ thông mà còn tìm hiểu khả năng vận dụng các kiến thức đó của học sinh như thế nào trong cuộc sống. Sau đây là những kết quả đánh giá học sinh phổ thông Nga năm 2010.
PISA khảo sát trình độ kiến thức trong ba lĩnh vực: đọc hiểu, khoa học tự nhiên và toán. Điểm trung bình của các nước OECD về đọc hiểu – 493 theo thang điểm 1000. Học sinh Nga đạt 459 điểm, xếp thứ 41-43 giữa Dubay và Chile. Về toán Nga chiếm vị trí 39-40 (468 điểm), về khoa học tự nhiên – 37-40 (478 điểm). Trong 9 năm gần đây không có sự tiến bộ cơ bản nào trong các lĩnh vực nói trên.
Kết quả trên khiến nhiều nhà giáo dục Nga suy nghĩ. Bà Galina Kovalyova, giám đốc Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục, người phụ trách thi trắc nghiệm ở Nga, tin tưởng rằng “cần phải xem xét vấn đề một cách tổng thể”. Theo ý kiến của bà, “giáo dục Nga thể hiện các kết quả tốt trong các lĩnh vực môn học, nghĩa là kiến thức của học sinh Nga có, nhưng các em không có kỹ năng sử dụng chúng trong thực tiễn cuộc sống”.
Học sinh Nga |
Kết luận thứ hai không kém phần quan trọng được rút ra từ cuộc khảo sát liên quan tới khả năng cạnh tranh của đất nước nói chung. Các kết quả khảo sát cho thấy rằng phần lớn học sinh Nga đang ở cái gọi là trình độ kiến thức 2, liên quan tới những vấn đề thông thường sơ đẳng nhất của cuộc sống. Trong khi tại các nước OECD trình độ kiến thức 3 và 4 chiếm ưu thế, từ đó thực ra là các em bắt đầu tự học. Ngay lập tức rút ra kết luận về sự yếu kém của hệ thống giáo dục Nga. Nhưng hoá ra, mọi chuyện không đơn giản như thế. Kết quả của các khảo sát khác nhằm xác định trình độ kiến thức của các lớp tiểu học cho thấy, Nga thực sự đứng đầu thế giới, vì đã giữ những vị trí đầu tiên một cách ổn định. Nhưng tiếp theo là thất bại ở các lớp trên. Tháng 4 năm nay, Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục đã tiến hành một khảo sát về chủ đề này để tìm hiểu trình độ làm bài trắc nghiệm ở lớp 4, 6 và 9. Hoá ra, kết quả của các lớp 4 và 6 hầu như không khác nhau, còn ở lớp 9 - chỉ tăng một cách không đáng kể.
Kết quả là, 5 năm sau khi tốt nghiệp tiểu học đứa trẻ hầu như không học được cách làm bài trắc nghiệm, phân tích thông tin và sử dụng nó để tiếp tục học lên. “Theo quan điểm của tôi, xảy ra điều đó là vì từ một giáo viên dạy tất cả các môn học, đứa trẻ ngay lập tức chuyển sang nhiều giáo viên, mỗi người trong họ đều cố gắng “nhồi nhét” vào đầu học sinh thật nhiều kiến thức về môn học của mình”, - bà Galina Kovalyova nói. Ở đây không chỉ có lỗi của giáo viên, mà còn là vấn đề chung của hệ thống giáo dục Nga, với nhiệm vụ chính là cung cấp thật nhiều kiến thức cho học sinh. Kết quả là chương trình nhà trường bị quá tải, còn học sinh thì đơn giản là không kịp tiếp thu tất cả các môn học, nói gì đến phát triển tư duy độc lập. Rốt cuộc, như bà Galina Kovalyova nói, xảy ra hiện tượng “lực bất tòng tâm”, khi kiến thức dường như có, nhưng học sinh không biết cách sử dụng chúng.
Khắp nơi trên thế giới người ta đánh giá cao kết quả trắc nghiệm PISA, thường coi nó như một lý do để cải cách hệ thống giáo dục. Mấy năm gần đây đã có 13 nước cải thiện được thành tích của mình. Chẳng hạn, Chile đã tăng lên được 50 điểm và gần đuổi kịp Nga. Ở Anh, người ta sẽ đóng cửa trường học, nếu như ba lần liên tục thể hiện kết quả trắc nghiệm kém. Còn ở Nga, các khảo sát của PISA không những bị xem nhẹ mà còn không được chú ý đến. Quả thật, năm nay việc công bố kết quả PISA lại trùng với thời điểm xã hội thảo luận dự luật mới về giáo dục sắp được Duma quốc gia thông qua. Ngoài ra, tại Bộ Giáo dục và Khoa học Nga đang xây dựng chuẩn mới cho giáo dục trung học phổ thông.Trong những năm tới các văn bản này sẽ quyết định sự phát triển của nhà trường phổ thông Nga. Liệu chúng có cân nhắc vị trí hiện nay của hệ thống giáo dục trong bảng xếp hạng quốc tế? Vấn đề còn bỏ ngỏ.
Trần Hậu (Theo Gazeta.ru)