Học sinh phổ thông “đói” thông tin hướng nghiệp

Học sinh phổ thông “đói” thông tin hướng nghiệp
 

(GD&TĐ) - Tư vấn nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp là những công việc vô cùng quan trọng của hệ thống GD-ĐT, giúp học sinh phổ thông định hướng nghề nghiệp tương lai ngay từ đầu quá trình hình thành và phát triển nhân cách cũng như xây dựng năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp hiện nay quả thực còn rất nhiều điều đáng bàn.

1. Một chuyên gia giáo dục kể chuyện sau những chuyến công tác dài ngày. Có lần về một trường cấp 3 ở ngoại thành, cũng chưa phải là sâu xa lắm, nhưng tất cả học sinh đều cho biết, tài liệu định hướng tương lai của các em không có gì ngoài cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ”.

Hoặc, đến một trường miền núi ở Hòa Bình, hỏi em học sinh mà học lực chỉ suýt soát trung bình sẽ lựa chọn thi đại học trường nào, em rất tự tin trả lời: Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Hỏi thêm, em có biết đây là một trường có điểm đầu vào rất cao và học lực trung bình ít có cơ hội thi đỗ, thì nhận được câu trả lời: Nhưng ngoài Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cháu không biết còn có trường đại học nào khác...

Những gì chúng ta làm hiện nay để giáo dục hướng nghiệp, chủ yếu là theo từng nhóm lớn. Tức, cứ xuân thu nhị kỳ tập hợp học sinh toàn trường, có khi trên 1.000 em, làm ào ào một buổi. Thầy cô nói xong, học sinh không kịp hỏi, nhiều khi cũng không muốn hỏi.

Vậy nên, học sinh THPT quả thực đói thông tin và chưa được tư vấn đầy đủ. Các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều em trước kỳ thi đại học, không chỉ cha mẹ mà có khi cả họ xúm vào tư vấn nên học trường nọ, phải thi trường kia. Áp lực ấy không hề nhỏ. Kết quả là học sinh chọn sai nghề.

Lên đến THPT, cũng không mất nhiều thì giờ cân nhắc bản thân thích gì, sức học đến đâu, phù hợp ngành nào..., hầu hết chỉ chăm chú những môn khoa học tự nhiên, học để thi khối A, khối D, bí lắm với vào ban xã hội. Nên mới có chuyện, mấy năm gần đây, lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối A luôn chiếm ưu thế tuyệt đối, còn khối C, cố cũng khó chạm mốc 10%.

Một sinh viên sư phạm học rất giỏi tâm sự: Bố mẹ em đều làm giáo viên, cả nhà bắt em theo nghề sư phạm, nhưng em càng học, càng thấy bí, thấy nản. Em chỉ ao ước mình đủ dũng cảm để tiếp tục một lần nữa làm đơn dự thi đại học, được trở thành một họa sĩ như mơ ước.

Rồi một thực tế không thể phủ nhận là, không ít trường đại học, cao đẳng hiện nay, sinh viên sau một năm học tại trường xin rút hồ sơ thi đại học lại; Thậm chí có em thi lại vào chính trường mình đang học, chỉ có điều, đổi ngành học khác.

Học sinh phải là người ra quyết định về tương lai của mình. Ảnh: T.Thanh
Học sinh phải là người ra quyết định về tương lai của mình. Ảnh: T.Thanh

2. Theo TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Năm 2006, Chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được ban hành, bắt đầu từ lớp 9 với 27 tiết trên năm học, tức cứ 1 tháng, học sinh được học 3 tiết.

Đến năm 2008, thời lượng cắt xuống còn 1 tiết 1 tháng, bù lại tích hợp vào các môn học khác có liên quan. Nhưng tích hợp như thế nào thì không có ai chỉ dẫn?!

Hiện nay, chúng ta không có định mức riêng cho giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông. Trong khi đó, giáo viên hầu như không ai thích bị phân công dạy hướng nghiệp. Nói như một chuyên gia làm trong ngành, không có giáo viên chuyên trách, chủ yếu là những giáo viên thiếu giờ bị “ủn” phải dạy hướng nghiệp.

Thiếu sự đào tạo bài bản, không được cập nhật thông tin, không am hiểu về thị trường lao động, thiếu điều kiện làm việc... nên sau nhiều buổi hướng nghiệp, nhiều học sinh tâm sự mình thậm chí không hiểu cô giáo nói gì. Thậm chí có lớp còn rất “sáng tạo”, đến mức giao luôn cho lớp trưởng: “Em cầm quyển này về hướng dẫn cho các bạn đọc”. Làm như vậy, coi như hoạt động hướng nghiệp “chết” luôn trong nhà trường phổ thông.

Giáo dục hướng nghiệp lại nặng sách vở, hình thức, nên học sinh không có được trải nghiệm. Mặc dù trong quy định ban đầu, cũng yêu cầu những buổi đi tham quan, nhưng thật khó để tổ chức được.

Bên cạnh đó, việc tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo lại không có sự tham gia của các doanh nghiệp; Phụ huynh không được tham gia vào hướng nghiệp, thậm chí không biết gì về điều này. Dẫn đến, cha mẹ bảo một đằng, thầy cô khuyên một nẻo, học sinh đứng giữa ngã ba, đã bối rối còn bối rối hơn, nên hiệu quả của hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp là vô cùng thấp.

Trăn trở của TS Lê Đông Phương, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp của chúng ta hiện nay đôi điều còn đi ngược lại với thế giới. Đó là không có sự chủ động của học sinh, toàn bộ hướng nghiệp chỉ hướng các em đi làm thuê, không nói gì đến học sinh có thể tự tạo ra công việc cho mình. “Chúng ta muốn có Bill Gates, nhưng lại không dạy cho các em cách học Bill Gates như thế nào” – ông Phương ví von.

3. Vậy nên, trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đang quyết tâm xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, phải thay đổi về cơ bản giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp. Trong đó, điều đầu tiên là làm sao để học sinh phải là người ra quyết định về nghề tương lai của mình chứ không phải thầy cô hay bố mẹ...

Để ra được quyết định đó, cần chỉ ra cho các em khả năng của mình và hỗ trợ để thực hiện sự lựa chọn đó. Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng phải gắn với từng giai đoạn phát triển của học sinh. Mỗi lứa tuổi phải có tư vấn khác. 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp nên được thực hiện từ đầu THCS, tức từ lớp 6, không đợi đến lớp 9. Cũng không thể làm nửa vời mà nhất thiết phải rạch ròi, có phần độc lập và có phần tích hợp.

Độc lập phải rõ ràng, tích hợp phải có kiểm tra đánh giá trong các hoạt động giáo dục. Nhà trường phổ thông cần biên chế đội ngũ giáo viên làm giáo dục hướng nghiệp và đội ngũ này phải được đào tạo bài bản, được bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật thông tin liên tục và có được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ quan ban ngành khác...

Thêm vào đó, một việc mà từ xưa nay chúng ta chưa hề làm. Đó là công cụ trắc nghiệm, đánh giá sở thích, khả năng của học sinh. Hiện, các công ty tư vấn, trung tâm hỗ trợ chủ yếu mới mang các trắc nghiệm từ nước ngoài, chưa được kiểm chứng ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước sớm xây dựng nên hệ thống công cụ chẩn đoán năng lực và thiên hướng nghề phù hợp với điều kiện và bối cảnh của công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp ở Việt Nam. Bộ công cụ này sẽ là nền tảng cho các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên nói riêng, người lao động Việt Nam nói chung.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp nên được thực hiện từ đầu THCS, tức từ lớp 6, không đợi đến lớp 9. Cũng không thể làm nửa vời mà nhất thiết phải rạch ròi, có phần độc lập và có phần tích hợp. Độc lập phải rõ ràng, tích hợp phải có kiểm tra đánh giá trong các hoạt động giáo dục.

Tuệ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.