(GD&TĐ) - “Hoa nghìn việc tốt nở hồng/ Vườn Tam Sơn mở thành rừng hoa tươi/ Yêu hoa lòng Bác thêm vui/ Rừng hoa là cả rừng người cháu ngoan”- Nhạc sĩ Phong Nhã (Nguyên Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong đã viết trong diễn ca lịch sử Đội) như thế, về phong trào “Nghìn việc tốt” của học sinh Tam Sơn (Hà Bắc).
Nhớ lại những năm tháng thiếu nhi Tam Sơn làm nghìn việc tốt
Năm học 1962- 1963, khi ngôi trường cấp II Liên Sơn (Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay) mới được hai tuổi, thì Liên đội Thiếu niên Tiền phong Ngô Gia Tự của trường đã sôi nổi với phong trào “Đọc, học tập và làm theo sách báo”. Khi ấy phong trào của nhà trường được nhắc đến trên mặt báo như một “điểm sáng”, rồi khắp miền Bắc, nhiều trường học cũng thi đua theo sáng kiến từ Tam Sơn.
Phong trào tiếp nối phong trào, đội viên của trường cấp II Liên Sơn ngày ấy đã thi đua thực hiện nhiều chủ đề xây dựng Đoàn, xây dựng nhà trường, xây dựng quê hương. Chỉ trong một ngày chủ nhật lao động bổ ích mà liên đội của trường đã trồng được hai hàng cây bên đường vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự. Các đội viên ngày ấy (giờ đã thành ông, thành bà của học sinh THCS hôm nay) kể lại: Lúc bấy giờ, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn là Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách đội, sau khi biểu dương kết quả công trình lao động của liên đội, đã có sáng kiến phát động phong trào “Thiếu nhi Tam Sơn làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”. Cùng lúc đó, đại biểu của các liên đội bạn đến từ các trường Đình Bảng, Tương Giang, Tân Hồng, Đồng Nguyên, Đồng Quang cắm trại ở Tam Sơn đã bắt tay cùng tham gia thi đua nghìn việc tốt với học sinh Tam Sơn.
“Một hoạt động mới đáng hoan nghênh”; hay “Còn gì tốt đẹp bằng một đội viên chúng ta thi đua làm được nhiều việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”... Đó là những dòng “tít”, nội dung từng lên trang nhất báo đội. Sự động viên tinh thần và thông tin kịp thời về hoạt động tốt đẹp của đội Thiếu niên Tiền phong tại một vùng quê cách mạng thuộc tỉnh Hà Bắc ngày ấy, đã khiến những bông hoa người tốt, việc tốt được nhân lên, nở rộ khắp các liên đội, trường học ở miền Bắc.
Các học sinh đạt danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” được tuyên dương |
Phong trào “Nghìn việc tốt” xuất phát từ Tam Sơn đã sớm được Đảng, Quốc hội, Bác Hồ, đoàn và nhà trường cùng nhân dân khắp nơi động viên, khen ngợi. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hội trường Ba Đình (ngày 27/3/1964), Bác Hồ đã nói: “Các cháu nhi đồng ta rất ngoan, chăm học, chăm làm, nhiều cháu đã dũng cảm cứu bạn trong cơn nguy hiểm, nhiều cháu đã thật thà đem trả lại của rơi, thương yêu giúp đỡ nhau và thi đua nghìn việc tốt...”
Tiếp bước cha, anh...
Sự tàn bạo của đế quốc Mỹ với lần dội bom ngày 12/8/1967 xuống Tam Sơn, đã giết hại 7 học sinh giỏi, những cán bộ tốt của đội khi đang lao động trên đồng quê để có tiền mua sách báo học tập. Mất mát ấy bao năm qua vẫn ghi dấu trong lòng những thế hệ trên quê hương Tam Sơn, để nhiệt tình cống hiến cho phong trào của đội, phong trào học tập, xây dựng quê hương thêm mạnh mẽ. Cảm động trước tinh thần và hoạt động nghìn việc tốt, có nhiều dũng sỹ diệt Mỹ trên mặt trận học tập của học sinh Tam Sơn, ngày 12/8/1968, Đoàn đại biểu anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ của miền Nam khi ra thăm miền Bắc đã về thăm Trường cấp II Tam Sơn.
Mùa xuân năm 1970, Đoàn và Đội Tam Sơn đã được T.Ư Đoàn bồi dưỡng xây dựng tổ chức vững mạnh, báo cáo thực tế đề nghị Bộ Chính trị, T.Ư Đảng cho tổ chức Đoàn và Đội được mang tên Hồ Chí Minh, để suốt đời học tập và làm theo, noi theo gương sáng đạo đức Bác Hồ kính yêu.
Vào năm 1971, Liên đội Ngô Gia Tự của Tam Sơn còn được kết nghĩa với Liên đội Tan- lơ- man của Trường THCS Ác- tua- bếch- cơ từ nước Đức.
Năm 1972, trong một lần Mỹ dội bom xuống Tam Sơn, lại một lần nữa đã cướp đi cô giáo Nguyễn Thị Nhâm và một số học sinh của trường. Biến căm thù giặc thành hành động cách mạng, lớp lớp học sinh Tam Sơn đã tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. 82 liệt sỹ chống Mỹ là học sinh của Tam Sơn, trong đó có anh Liên đội trưởng Nguyễn Văn Lan và anh Liên đội phó Ngô Văn Mai người đã gác giấy gọi đi nước ngoài để tình nguyện lên đường đánh Mỹ.
Từ việc tốt đến hướng thiện
GS.TS Nguyễn Toàn Thắng (Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là thế hệ học sinh đầu tiên của trường THCS Tam Sơn. Ông cho biết thế hệ của ông đã sống có ích, sống lương thiện, chính là nhờ rất nhiều ở phong trào này. - ông nhớ lại- “Đội viên phải giữ gìn sách vở sạch đẹp, tăng cường giơ tay phát biểu trên lớp, vệ sinh lớp sạch sẽ; ở nhà đi chăn trâu thì phải cố gắng giữ vệ sinh trâu, chăm sóc trâu chu đáo, mùa hè thi đánh ruồi diệt muỗi, giúp đỡ người già; thứ 7 hàng tuần cùng tham gia vệ sinh thôn xóm… Nghĩa là tất cả những việc nhỏ nhất mà tuổi trẻ có thể làm, có thể tham gia. Nhưng ý nghĩa thì vô cùng to lớn, không phải là vì những công việc cụ thể mà có lẽ nó quan trọng ở chỗ làm việc tốt tức là làm những việc thiện”.
GS.TS Nguyễn Toàn Thắng- học sinh ở cái nôi của phong trào “Nghìn việc tốt” -cũng chia sẻ rằng: “Cái sâu xa của nghìn việc tốt là làm cho con người hướng thiện, là góp phần hình thành nhân cách con người ngay từ bé. Điều đó, thế hệ chúng tôi không được dạy qua sách vở, mà tự thu nhận được qua những việc làm nhỏ của mình, của bạn mình. Nhỏ nhặt vậy thôi, nhưng là những điều thế hệ chúng tôi suốt đời mang theo cho đến ngày nay”.
Để phong trào “Nghìn việc tốt” tiếp tục toả sáng trong thời đại mới hôm nay, theo GS.TS Nguyễn Toàn Thắng thì đây là một phong trào không có thời hạn và không nên đặt ra thời hạn. “Thời nào cũng cần những việc tốt, trẻ em càng cần phải hướng vào những việc tốt. Tham gia làm việc tốt để hướng thiện, hoàn thiện nhân cách. Cá nhân tôi cho rằng có 2 điều cần hướng tới: Thứ nhất là chúng ta phải đưa phong trào vào chiều sâu và đó là điều rất quan trọng với thế hệ trẻ ngày nay. Hiện có rất nhiều những bàn luận dưới góc độ khác nhau về giáo dục cho thế hệ trẻ. Chúng ta không chỉ chú ý giáo dục truyền thụ kiến thức mà còn phải chú trọng cả đào tạo nhân cách cho các em. Hướng các em vào làm nghìn việc tốt là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phát động như thế nào để thiết thực, tránh bệnh thành tích”.
Thu Ba