Học sinh hào hứng học Ngữ văn theo định hướng giáo dục STEM

GD&TĐ - Cô và trò lớp 12A8 (trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) vừa trải qua tiết Ngữ văn đầy sinh động và thú vị theo định hướng giáo dục STEM.

Học sinh trường THPT Hồng Lĩnh hào hứng học Ngữ văn theo định hướng giáo dục STEM.
Học sinh trường THPT Hồng Lĩnh hào hứng học Ngữ văn theo định hướng giáo dục STEM.

Bí quyết khơi gợi sự tìm tòi khi học STEM trong môn Ngữ văn

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang (GV Ngữ văn, trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã vận dụng STEM vào trong bài học Người lái đò Sông Đà tại lớp 12A8.

Cô trò trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vận dụng STEM vào tiết học Ngữ văn.
Cô trò trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vận dụng STEM vào tiết học Ngữ văn.

“Trong chương trình Ngữ văn 12, nhà văn Nguyễn Tuân được biết đến là bậc thầy tuỳ bút, là nhà luyện đan ngôn từ, ông lái đò chữ nghĩa, là người suốt đời đi tìm cái đẹp,… Ông đã vận dụng tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau vào việc tạo dựng hình tượng như lịch sử, địa lý, võ thuật, quân sự, điện ảnh,…

Bởi vậy, lựa chọn tùy bút “Người lái đò Sông Đà” vào việc vận dụng dạy học STEM sẽ là cơ hội để học sinh đồng sáng tạo với nhà văn, phát huy trí tưởng tượng, gắn kiến thức với thực tiễn. Đồng thời, giáo viên yêu cầu các nhóm học sinh chế tạo một sản phẩm ứng dụng gắn với nội dung bài “Người lái đò Sông Đà” với các tiêu chí cụ thể”, cô Quỳnh Giang chia sẻ lý do.

Cũng như các môn học khác, theo cô Giang, cấu trúc một bài học STEM gồm có 5 hoạt động.

Trong đó, hoạt động 1 là xác định vấn đề sẽ được tiến hành tại lớp. Tại đây, giáo viên và học sinh lựa chọn vấn đề để tiến hành vận dụng STEM. Hoạt động 2 là nghiên cứu kiến thức nền và đề xuất các giải pháp thiết kế. Ở hoạt động này học sinh tìm hiểu kiến thức trong bài học cần sử dụng để chế tạo sản phẩm theo yêu cầu. Từ đó đề xuất các giải pháp thiết kế đáp ứng các tiêu chí đã nêu.

Đồng thời giáo viên cho các nhóm bốc thăm nhiệm vụ làm sản phẩm STEM. Cụ thể sẽ có 3 nhiệm vụ: Tái hiện mô hình Sông Đà hung bạo, dữ dội; Tái hiện mô hình Sông Đà thơ mộng, trữ tình; Tái hiện mô hình cuộc chiến giữa người lái đò và Sông Đà.

Cô giáo Quỳnh Giang hướng dẫn học sinh thực hiện làm mô hình STEM.
Cô giáo Quỳnh Giang hướng dẫn học sinh thực hiện làm mô hình STEM.

Với hoạt động 3, học sinh trình bày và thảo luận phương án thiết kế theo nhóm. Do đó học sinh tiến hành làm ở nhà, trong đó các em sử dụng kiến thức nền để giải thích, chứng minh và lựa chọn, hoàn thiện phương án tốt nhất. Học sinh đọc và nghiên cứu kỹ văn bản “Người lái đò Sông Đà” để thảo luận, phác thảo mô hình thiết kế.

Hoạt động 4 chế tạo mô hình theo phương án thiết kế và đánh giá quá trình chế tạo. Học sinh sử dụng những vật liệu tận dụng như: giấy báo, đất sét, xốp, mút, bông gòn, bìa carton,… kết hợp với màu vẽ, màu nước để tạo 3 sản phẩm theo nhiệm vụ phân công.

Học sinh sử dụng các vật liệu tái chế để làm sản phẩm cho môn học.
Học sinh sử dụng các vật liệu tái chế để làm sản phẩm cho môn học.

Và hoạt động cuối cùng là trình bày, thảo luận về sản phẩm được chế tạo, điều chỉnh thiết kế ban đầu. Đây là hoạt động này được tiến hành tại lớp, các nhóm vừa giới thiệu về sản phẩm STEM của nhóm vừa thuyết trình nội dung kiến thức có liên quan đến sản phẩm. Giáo viên và các nhóm còn lại sử dụng phiếu đánh giá dựa trên các tiêu chí đề ra để đánh giá sản phẩm.

Tạo hứng khởi cho học sinh

Chia sẻ về tiết học Ngữ văn độc đáo, em Lê Thảo Nguyên (HS 12A8) háo hức: “Không còn là một tác phẩm khô khan, khó hiểu nằm trong sách mà qua các mô hình em thấy tác phẩm trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Để hoàn thành các mô hình chúng em đã nghiên cứu rất kỹ tác phẩm, chọn lọc các đặc điểm nổi bật để thể hiện rõ “tính cách” của 2 nhân vật chính trong tác phẩm là sông Đà và người lái đò”.

Một mô hình mô phỏng trích đoạn trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của học sinh lớp 12A8 (Trường THPT Hồng Lĩnh).
Một mô hình mô phỏng trích đoạn trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của học sinh lớp 12A8 (Trường THPT Hồng Lĩnh).

Theo đó, Nguyên và các bạn có khoảng gần 1 tuần để lên kế hoạch và thực hiện mô hình. Các em đã lựa chọn các chất liệu từ bìa cat –ton, giấy bạc, xốp, đá, màu vẽ… để thực hiện mô hình.

“Trong quá trình thực hiện, mỗi bạn sẽ đảm nhận một công việc và có sự thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau để làm ra sản phẩm. Nhóm em bốc thăm hoàn thành mô hình nói về sự trữ tình của dòng sông Đà. Bọn em đã cố gắng tạo hình thác nước làm sao nhìn vào để giống như một “áng tóc trữ tình”, có “mùa xuân màu xanh ngọc bích, thu lừ lừ chín đỏ”… Trong khi làm việc nhóm nhiều bạn đã bộc lộ rất nhiều tài lẻ như vẽ, thiết kế… Em rất thích việc đưa STEM vào trong môn học như vậy”, em Nguyễn Thị Minh Hoài chia sẻ.

Học sinh thuyết trình, trình bày tác phẩm qua mô hình sản phẩm.
Học sinh thuyết trình, trình bày tác phẩm qua mô hình sản phẩm.

Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Hà Tĩnh), vận dụng STEM trong dạy học môn Ngữ văn vừa tạo hứng thú vừa khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, phương pháp này còn trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện.

Tuy nhiên, hiện nay giáo dục STEM mới chỉ thiên về các môn học tự nhiên, song khai thác, “đánh thức” STEM trong các môn học xã hội rất thú vị và nhiều sự sáng tạo bất ngờ.

Cô Quỳnh Giang chia sẻ, STEM môn Ngữ văn có sự kết hợp giữa các kỹ năng đọc viết và chương trình giáo dục về khoa học STEM. Đây là bộ môn quan trọng và cần thiết trong thế kỷ 21 hiện nay. Để các em không còn nhàm chán, sản phẩm STEM môn văn sẽ mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực và gần gũi.

“Với môn Ngữ văn - là môn học giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú,… hướng tới chân - thiện - mỹ. Đánh thức STEM trong môn Ngữ văn đã góp phần thực hiện chức năng ấy”, cô giáo Ngữ văn nói.

Việc áp dụng STEM vào dạy học tạo hứng khởi và phát huy các năng lực của học sinh.
Việc áp dụng STEM vào dạy học tạo hứng khởi và phát huy các năng lực của học sinh.

Quả thật, STEM đã trở thành một mô hình giáo dục tiên tiến, có thể làm thay đổi nền giáo dục và có ý nghĩa cả về mặt khoa học lẫn xã hội nếu được áp dụng rộng rãi.

"Trong môn Ngữ văn nếu phát huy và vận dụng linh hoạt, STEM còn khuyến khích học sinh khám phá thế giới xung quanh, các em có cơ hội nghiên cứu, thử nghiệm và giải quyết các vấn đề thực tế, từ việc tạo ra các mô hình sản phẩm.

Ngoài ra, STEM còn tạo sự kết nối kiến thức và thực tiễn: ví như trong dạy học bài Người lái đò Sông Đà, học sinh không chỉ tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức mà các em đã biết áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế", cô Giang thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.