Học sinh được tự do thể hiện cá tính qua đề Văn mở

GD&TĐ - Đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm nay khá mới mẻ khi bàn về vai trò cá tính sáng tạo của nhà văn trong quá trình sáng tác.

Học sinh được tự do thể hiện cá tính qua đề Văn mở

Ngày 13/1, kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia đã chính thức diễn ra trên phạm vi toàn quốc với 12 môn thi.

Đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019 vẫn giữ nguyên cấu trúc gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Cụ thể:               

Câu 1. Nghị luận xã hội (8 điểm): “Hãy để tâm đến tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng nói ồn ào, náo loạn từ bên ngoài”.

John Mason- Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao. NXB Lao động, Hà Nội, 2017, trang 111)

Anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên?

Câu 2. Nghị luận văn học (12 điểm): “Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người"?

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.

Đề thi Văn kì thi chọn HSG quốc gia 2018
Đề thi Văn kì thi chọn HSG quốc gia 2018

TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, câu nghị luận văn học trong đề thi năm nay khá mới mẻ khi bàn về vai trò cá tính sáng tạo của nhà văn trong quá trình sáng tác.

“Để làm rõ vấn đề nghị luận, học sinh cần chứng minh qua thực tế sáng tạo văn học. Chẳng hạn, cùng một đề tài, mỗi tác giả có hướng khai thác, cảm nhận, góc nhìn và cách thể hiện khác nhau. Đó là điều mà không công nghệ nào có thể thay thế. Hay, cùng một tác giả, một đối tượng thẩm mĩ, nhưng vẫn có những sản phẩm văn chương khác nhau do sự trải nghiệm, tâm thế, hoàn cảnh sáng tác…”, cô Tuyết chia sẻ.

Bởi vậy, theo cô Tuyết, cá nhân mỗi nhà văn, với trải nghiệm, tài năng, trí tuệ riêng sẽ tạo ra cá tính sáng tạo cho văn chương. Từ đó, nhà văn sẽ tạo nên những sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mĩ không lặp lại.

Với yêu cầu của đề, học sinh có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức xã hội, đời sống, kiến thức lí luận văn học, kiến thức văn học... Mặt khác, học sinh cũng được tự do thể hiện cá tính sáng tạo của bản thân thông qua đề Văn năm nay.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1. Hãy để tâm đến những tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng ồn ào, náo loạn từ bên ngoài.

1. Giải thích khái niệm:

- "Những tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững bên trong": Chính là những suy nghĩ, xúc cảm, quan niệm riêng của mình về cuộc sống, về con người, về chính bản thân.

- Những tiếng ồn ào, náo loạn từ bên ngoài: Là những suy nghĩ, xúc cảm, quan niệm... của mọi người xung quanh về những vấn đề có thể mình cùng quan tâm.

2. Lí giải vấn đề:

2.1. Những tiếng nói bên trong mình:

+ Nhỏ bé: Vì chỉ là quan niệm của cái tôi cá nhân, không mang tính đại diện cho cộng đồng.
+ Bền vững: Vì là quan niệm cá nhân, là kết quả của những suy xét, trải nghiệm cá nhân, ít bị chi phối và xung đột bởi nhiều quan niệm, nhiều góc nhìn như các quan niệm trong cộng đồng.

+ Cần được để tâm, coi trọng: Vì là kết quả những trải nghiệm, cách sống, cách nghĩ của chính mình, nếu coi nhẹ nó mà thay đổi theo thời thế, theo sự chi phối của những quan niệm bên ngoài, con người sẽ không còn là chính mình, đánh mất chính mình.

2.2. Những tiếng nói bên ngoài:

+Ồn ào, náo loạn: Vì là các quan niệm của đám đông, luôn hàm chứa những mâu thuẫn, xung đột, những thay đổi, khúc xạ, trái chiều...

+ Không thể bỏ qua tiếng nói cộng đồng, dư luận, nhưng vì đó là những quan niệm của người khác, không phải của mình, vì luôn xung đột, biến đổi, trái chiều... nên chỉ nên coi như những quan niệm để tham khảo, giúp bản thân tự điều chỉnh, bổ sung cho quan niệm của mình mà không thay đổi theo một cách hồ đồ, nóng vội.

3. Bàn luận:

- Cần đủ trí tuệ, bản lĩnh để tự tin vào quan niệm của chính mình.

- Cần đủ sự cầu thị để biết lắng nghe và tiếp nhận những quan niệm đúng đắn.

- Cần đủ lòng bao dung để chấp nhận sự khác biệt.

Câu 2: Rồi đây, có thể xuất hiện những cổ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.

1. Đặc trưng của văn chương:

- Đó là lĩnh vực sáng tạo của cái tôi, cái duy nhất, không lặp lại, và ngoại trừ những vấn đề của in ấn hay soạn thảo văn bản..., quá trình sáng tạo dù thời nào cũng luôn chỉ thuộc về con người.

- Văn chương là sản phẩm của tư duy/ xúc cảm của con người, tư duy có thể lập trình, nhưng xúc cảm luôn chỉ thuộc về con người.

2. Chứng minh qua thực tế sáng tạo văn học:

- Cùng một đề tài, mỗi tác giả có hướng khai thác, cảm nhận, góc nhìn, và cách thể hiện khác nhau. Đó là điều không công nghệ nào có thể thay thế.

- Cùng một tác giả, một đối tượng thẩm mĩ, nhưng vẫn có những sản phẩm văn chương khác nhau, do sự trải nghiệm, tâm thế, hoàn cảnh sáng tác...

- Do vậy, cá nhân mỗi nhà văn, với trải nghiệm, tài năng, trí tuệ... riêng sẽ tạo ra cá tính sáng tạo cho văn chương, tạo nên những sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mĩ không lặp lại, bởi sự lặp lại là cái chết của văn chương.

- Có thể dẫn lời Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Đặc trưng này khiến sáng tạo văn chương mãi mãi là độc quyền của con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ