Hãy tìm cách để không bị áp lực
Trần Xuân Bách, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội giành Huy chương Vàng tại hai kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022 và Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, dù việc học tập, ôn luyện cho các kỳ thi chiếm nhiều thời gian tuy nhiên mỗi ngày, Bách vẫn luôn dành cho bản thân từ 15 - 30 phút chơi game hoặc tham các hoạt động giải trí khác.
Bách bộc bạch: "Khi bản thân cảm thấy thoải mái, em mới tập trung vào việc học và học hiệu quả được, tuyệt đối không để bản thân phải cố học khi không thoải mái hay muốn học. Đồng thời, khi học cần có chiến lược rõ ràng để không bị rối hay phân tâm".
"Em không bao giờ ép bản thân phải cố học khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc tâm lý không thoải mái", đó là chia sẻ của Phạm Nguyễn Minh Tuấn – Huy chương Vàng Hóa học quốc tế năm 2022. Những khi áp lực, Tuấn thường Nghe nhạc, xem phim, đọc truyện...
Theo Tuấn nếu học với tâm lý không thoải mái sẽ càng mệt mỏi, chất lượng học sẽ giảm và tâm lý của mình sẽ càng tệ hơn. Nếu việc này kéo dài, bản thân bạn sẽ sợ hãi, áp lực khi học.
"Em chỉ học khi đầu óc tỉnh táo lúc đó hiệu quả nhất và cũng tạo hứng thú cho bản thân", Tuấn nói.
Trước đó trong quá chuẩn bị cho kỳ thi quốc tế, Tuấn đã có rất nhiều áp lực. "Những lúc như vậy, em đã chia sẻ cùng ba người anh cùng đội tuyển hoặc gọi về nhà nói chuyện với bố mẹ, nghe lời khuyên từ họ. Sau mỗi lần nói chuyện, em được tiếp thêm động lực để tiếp tục cố gắng học, áp lực tâm lý trong em cũng được giải toả khi có người lắng nghe mình nói, hiểu và đồng cảm thì những áp lực đó chính là động lực để em vượt qua”.
Đồng hành cùng con hơn là tạo áp lực
Có con giành Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2022 lúc học lớp 10, chị Đỗ Mai Hòa (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có hai con trai, hai cháu đều rất cá tính, từ nhỏ tôi đã rất tôn trọng sở thích cũng như học tập của con. Khi định hướng, tôi sẽ dựa trên những sở thích, thế mạnh của con để tư vấn rồi con tự đưa ra quyết định sao cho phù hợp với năng lực".
Chị Mai Hòa kể: "Hoàng Hải (học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2022) theo học chuyên từ lớp 6, nên việc tiếp tục học chuyên ở lớp 10 đối với tôi và gia đình không có gì khác biệt hay áp lực. Do đó trong quá trình học, tôi không đặt bất kỳ một áp lực hay kỳ vọng gì với Hải.
Những ngày đến gần các kỳ thi của con, tôi động viên, nhắc nhở cháu phải cân đối giữa việc học và nghỉ ngơi. Đồng thời, tôi cố gắng làm những món ăn ngon con thích, để động viên tinh thần cũng như bồi bổ sức khỏe cho con".
Chị Đỗ Mai Hòa và con trai. Ảnh MH. |
Theo chị Mai Hòa, trong quá trình học từ trước đến nay, thời điểm chị cảm nhận được mình áp lực là lúc con tham gia tập huấn đội tuyển kỳ thi Vật lý Châu Á tại Trường ĐHSP Hà Nội . Chị kể: "Thời gian ôn thi tập trung đến thi chỉ có 3 tuần, con phải ăn nghỉ tập trung tại khu ký túc xá. Tôi không được ở gần và chăm sóc cháu. Để giảm bớt áp lực cho con, tôi điện thoại động viên con thư giãn, nghỉ ngơi, không để bản thân bị quá tải. Kiến thức là đại dương, con mới chỉ là học sinh lớp 10".
Cũng giống chị Mai Hòa, chị Hồ Thị Minh Lan - mẹ của em Hoàng Tiến Nguyên - Huy chương Đồng Toán học Quốc tế năm 2022: "Từ nhỏ Nguyên đã rất đam mê với các con số, đến khi đi học được cháu có cơ hội học với môn này do đó tôi thường đồng hành cùng con. Những lúc rảnh, tôi sẽ cùng con làm các bài toán đơn giản để kích thích sự hứng thú của con.
Tôi quan điểm không ép con học hay làm những điều con không thích để con được thoải mái phát triển đam mê của mình. Nếu bắt con học những thứ con không thích sẽ gây cảm giác khó chịu và chán nản.
Cũng như khi con được chọn và tham dự đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm 2022, tôi chỉ khuyên con làm những gì con thích, quan trọng nhất là sau cuộc thi này con cảm thấy vui và bổ ích còn dành được huy chương hay không không quá quan trọng".