Vì không còn áp dụng quy định giãn cách trường học nên trường đã tổ chức cho học trò ăn bán trú trở lại. Khu vực bếp ăn, nhà ăn được lưu tâm nhiều hơn trong bối cảnh đi học mùa dịch. Các trang thiết bị y tế, vệ sinh khử khuẩn, thuốc được bổ sung, dự phòng sẵn sàng cho công tác phòng dịch.
Do còn nhỏ tuổi nên ý thức giữ vệ sinh, phòng tránh dịch vẫn luôn cần có sự giám sát, nhắc nhở của các thầy cô giáo và phụ huynh. Vì vậy, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và triển khai những nội dung cần lưu ý, để cha mẹ chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các con khi đi học trở lại.
Tương tự, Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) quan tâm đặc biệt tới mục tiêu cung cấp bữa ăn đủ lượng và chất, an toàn cho trò trong ngày nắng nóng. Hằng ngày, Ban Quản lý công tác bán trú phối hợp với Công đoàn, Thanh tra nhân dân và Ban đại diện cha mẹ HS trường, lớp kiểm tra ba bước tại bếp ăn bán trú gồm: Giao nhận thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, độ tươi ngon của thực phẩm, độ sạch của các đồ dùng bán trú bằng các bộ test nhanh; Chế biến và bảo quản lưu mẫu thực phẩm…
Việc củng cố kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1 được các nhà trường đặc biệt quan tâm khi thời gian nghỉ học kéo dài, học sinh nhỏ tuổi còn chưa quen với nền nếp học tập.
Cô Nguyễn Thị Phương - giáo viên Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin: Nội dung kiến thức của học sinh lớp 1 trong học kỳ II đã được tinh giản nhưng không nhiều, nhất là ở 2 môn cơ bản (Tiếng Việt và Toán).
Môn Tiếng Việt không giảm số tiết mà chỉ tinh giản một số nội dung như phần chữ viết hoa, tập viết. Riêng phần chính tả và luyện đọc vẫn phải thực hiện để bảo đảm chuẩn kiến thức đầu ra. Môn Toán chỉ tinh giản nội dung về điểm ở trong và điểm ở ngoài, còn các nội dung khác vẫn dạy bình thường.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội hoàn thành chương trình vào ngày 15/7. Như vậy, các em còn khoảng 2 tháng để hoàn thành nội dung kiến thức học kỳ II. Khoảng thời gian này đủ để giúp những học sinh còn hạn chế bảo đảm kiến thức đầu ra nếu nhà trường và phụ huynh có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.