Học sinh dân tộc nội trú giật giải quốc tế

GD&TĐ - Thành tích cao trên đấu trường quốc tế của nhóm học sinh dân tộc nội trú truyền cảm hứng cho học sinh khác vươn xa...

Đội tuyển học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An dự thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO 2023 tại Thái Lan. Ảnh: NTCC
Đội tuyển học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An dự thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO 2023 tại Thái Lan. Ảnh: NTCC

Lần đầu tiên, nhóm học sinh dân tộc nội trú đại diện cho tỉnh Nghệ An tham gia Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO tại Thái Lan và đem về 9 Huy chương Bạc. Đặc biệt, đây là kỳ thi giải Toán bằng tiếng Anh, vốn không phải là lợi thế của những em ở vùng sâu, vùng xa và điều đó đã truyền cảm hứng cho học sinh khác vươn xa.

Kỳ tích của nữ sinh Đan Lai

Nguyễn La Vi Na là nữ sinh tộc người Đan Lai, lớn lên ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông. Từ nhỏ đến lớn, chuyến đi xa và dài nhất của Vi Na chính là xuống TP Vinh, ở lại học tập tại Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Vì thế, em chưa từng “mơ” đến một ngày mình có thể sang Thái Lan dự thi Toán quốc tế khi đang là học sinh lớp 10.

Tham dự kỳ thi, đội tuyển Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An có 9 học sinh đoạt Huy chương Bạc gồm: Lương Quốc Hoàng, Nguyễn Lê Bảo Châu, Phan Đăng Phú, Lê Thị Trúc Quỳnh, Vi Trí Khoa, Nguyễn Huy Hoàng, Lương Thị Thúy Mai, Nguyễn La Vi Na, Vi Lương Mai. Học sinh đoạt giải Khuyến khích là em Bùi Minh Đức.

Vi Na chia sẻ, em đến với Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO là nhờ thầy cô động viên và bạn bè cổ vũ thường xuyên. Kết quả đầu vào năm lớp 10 của em không nổi trội so với các bạn. Mặc dù, Toán là môn học em yêu thích nhất và đạt 7,75 điểm đầu vào nhưng môn Tiếng Anh chỉ đạt 5 điểm. Việc cải thiện năng lực tiếng Anh đối với Vi Na không dễ dàng. Thời gian tiểu học và THCS, em cũng chỉ học ở trường xã và không có điều kiện học tập, tiếp xúc thêm với tiếng Anh ngoài các tiết học với thầy cô trên lớp.

Nền tảng ngoại ngữ của Vi Na chỉ ở mức trung bình và khi lên cấp THPT lại càng khó khăn hơn. Nhưng khi cô giáo dạy Toán trao cho cơ hội vào đội tuyển Olympic Toán, Vi Na đã có động lực để vượt qua giới hạn bản thân. “Em có mục tiêu rõ ràng để học tiếng Anh. Bên cạnh đó, làm nhiều bài tập, trao đổi với các bạn trong đội tuyển để nâng cao, mở rộng kiến thức Toán học. Nhờ đó, năng lực của em cũng ngày càng tiến bộ hơn”, Vi Na kể lại.

Sau hơn 5 tháng ôn luyện, cô học trò có phần nhút nhát, rụt rè khi “mang chuông đi đánh xứ người” lại xuất sắc giành được tấm Huy chương Bạc. “Khi nhận kết quả, thực sự em vẫn chưa dám tin. Nhưng sau hành trình nỗ lực với sự đồng hành của thầy, cô giáo và các bạn, em thấy rất vui mừng khi góp phần đem về thành tích cao cho trường nội trú, cho tỉnh Nghệ An”, nữ sinh xúc động nói.

Đây cũng là kỳ tích quốc tế đầu tiên của một học sinh người Đan Lai. Vi Na tâm sự thêm, Đan Lai là một trong số dân tộc rất ít người, chỉ phân bố ở huyện Con Cuông. Cộng đồng của em rất nhỏ, người già kể lại trước kia bà con sống trong bản làng nằm sâu trong vùng lõi Rừng quốc gia Pù Mát. Sau này, người dân mới dần dần rời khe, tái định cư ở các vùng đất thuận lợi hơn. Học sinh Đan Lai so với các dân tộc khác vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đạt thành quả này đối với Nguyễn La Vi Na còn đem về niềm tự hào cho bản làng và dân tộc của mình.

Nguyễn La Vi Na - nữ sinh Đan Lai đầu tiên giành Huy chương Bạc Kỳ thi Toán học Quốc tế. Ảnh: NVCC

Nguyễn La Vi Na - nữ sinh Đan Lai đầu tiên giành Huy chương Bạc Kỳ thi Toán học Quốc tế. Ảnh: NVCC

Kỷ niệm đặc biệt

Năm học 2022 – 2023, Kỳ thi TIMO được tổ chức lần thứ 9 trên thế giới và tổ chức lần thứ 4 tại Việt Nam. Năm nay vòng chung kết được tổ chức tại thành phố Pataya (Thái Lan). Đội tuyển Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An với 10 học sinh là đại diện của địa phương tham gia cuộc thi này.

Trước đó, các em đã phải trải qua vòng loại quốc gia, chung kết quốc gia để lọt vào đội tuyển tham gia vòng chung kết quốc tế. Đặc biệt, cả 10 thành viên đội tuyển đều đến từ lớp 10A1, lần đầu tiên xuất ngoại và đua tài cùng hơn 1.000 thí sinh khác đến từ nhiều nước. Vì thế, đây không chỉ là cuộc thi kiến thức, mà còn là trải nghiệm đáng nhớ của học sinh dân tộc nội trú.

Cậu học trò người dân tộc Thái - Vi Trí Khoa chia sẻ kỷ niệm thú vị khi sang Thái Lan dự thi: “Em gặp các thí sinh Thái Lan và Philippines, trong đó nhiều bạn nói tiếng Thái. Mặc dù ngôn ngữ không giống nhau hoàn toàn, vì kể cả ở Việt Nam thì người Thái giữa các tỉnh cũng nói không hoàn toàn giống nhau, nhưng chúng em vẫn giao tiếp được khoảng 70%. Đây là điều rất bất ngờ đối với em và các bạn trong đội tuyển của trường, vì có thể nói chuyện bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình khi sang nước ngoài”, nam sinh vui vẻ kể lại.

Lương Quốc Hoàng, thành viên đội tuyển, chia sẻ thời gian chờ đợi trao giải có lẽ là khoảnh khắc hồi hộp nhất của cả đội. Thời điểm đó, các bạn chỉ đặt hi vọng có từ 1 - 2 huy chương để không phụ công ôn tập của thầy cô, nhà trường. Trong đó Hoàng là người được thầy cô, bạn bè kỳ vọng, đánh giá có năng lực Toán nổi trội.

Nhưng có tới 2 lần Ban tổ chức tìm đến nơi đội tuyển của trường đứng để xếp vị trí lên nhận huy chương rồi lại báo là nhầm lẫn khiến tất cả “mừng hụt”, thậm chí nghĩ đến kết quả tệ nhất. Nhưng cuối cùng Ban tổ chức đã chính thức gọi tên đội tuyển Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, với 9 Huy chương Bạc và 1 bạn đạt giải Khuyến khích đã khiến tất cả vỡ òa.

Ban giám hiệu Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An khen thưởng học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO. Ảnh: Hồ Lài

Ban giám hiệu Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An khen thưởng học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO. Ảnh: Hồ Lài

“Cả 10 thành viên đội tuyển đều đạt thành tích khiến niềm vui của chúng em trọn vẹn hơn, báo tin mừng cho trường và háo hức trở về”, Hoàng cho hay.

Tạo điều kiện để học trò tỏa sáng

Đây là năm đầu tiên Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An cử đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO. Xuất phát điểm của học sinh nội trú vốn thấp hơn so với mặt bằng chung nhiều trường THPT của tỉnh. Năng lực ngoại ngữ cũng có hạn chế nhất định. Nhưng năm nay, lần đầu tiên đội tuyển Toán học của nhà trường đã làm nên kỳ tích với sự dẫn dắt của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh.

Đội tuyển Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An đều đoạt giải trong đó có 9/10 bạn giành HCB. Ảnh: NTCC

Đội tuyển Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An đều đoạt giải trong đó có 9/10 bạn giành HCB. Ảnh: NTCC

Cô Thùy Linh từng là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Dù chỉ có kinh nghiệm 3 năm công tác, nhưng được đào tạo bài bản sư phạm Toán – Tiếng Anh, nên cô Thùy Linh được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” để bồi dưỡng đội tuyển dự thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO.

Cô cho biết, kỳ thi diễn ra 3 vòng. Vòng loại quốc gia gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian 60 phút; vòng chung kết quốc gia gồm 25 câu hỏi dạng điền đáp án, thời gian 90 phút, đề bài Tiếng Anh (có phụ đề Tiếng Việt). Vòng chung kết quốc tế gồm 30 câu hỏi dạng điền đáp án, thời gian 120 phút, đề bài Tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh là người dẫn dắt, bồi dưỡng chính đội tuyển dự thi Toán quốc tế. Ảnh: Hồ Lài

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh là người dẫn dắt, bồi dưỡng chính đội tuyển dự thi Toán quốc tế. Ảnh: Hồ Lài

Cái khó nhất khi bồi dưỡng học sinh là các em đều đang học lớp 10. Trong khi đó kiến thức kỳ thi lại bao trùm cả 3 khối 10, 11, 12. Có nhiều nội dung mà các em chưa học ở trường như tổ hợp xác suất, tư duy logic… Ngoài kiến thức cơ bản là Toán, bản thân cô Thùy Linh cũng phải học thêm tiếng Anh để phiên dịch đề cho học trò. Đồng thời đề nghị Ban giám hiệu nhà trường bố trí thêm giáo viên dạy Tiếng Anh để phụ đạo cho học sinh, đặc biệt là các từ chuyên ngành môn Toán học.

Dù chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng học sinh vẫn phải đảm bảo các môn học ở trường theo Chương trình sách giáo khoa mới, tham gia thi giữa kỳ, cuối kỳ... “Nhưng thuận lợi nhất là các em được nhà trường tạo điều kiện hết sức cả về giáo viên bồi dưỡng, sử dụng cơ sở vật chất của trường để phục vụ học tập”, cô Thùy Linh chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, đối với trường dân tộc nội trú, để cho 10 học sinh cùng 2 giáo viên bồi dưỡng sang Thái Lan dự thi gần 1 tuần là việc không dễ dàng. Không chỉ về ôn tập mà liên quan đến chi phí cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh. Bởi các em đều là học sinh dân tộc nội trú, xa nhà đi học, không có điều kiện ở bên gia đình. Tất cả mọi vấn đề trong học tập và sinh hoạt đều do thầy cô, nhà trường quản lý, chăm lo.

“Với mong muốn để học sinh được mở rộng hiểu biết, vươn xa trong học tập, nhà trường đã quyết tâm để cô trò đi thi và không quá đặt nặng áp lực thành tích. Nhưng kết quả 100% thành viên đội tuyển đều đoạt giải. Đó không chỉ là món quà lớn cho nhà trường, mà còn truyền cảm hứng, động lực, tự tin cho các bạn học sinh khác trong trường, có sự tự tin để tham gia các cuộc thi lớn”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết.

Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO (Thailand International Mathematical Olympiad) được tổ chức hàng năm bởi Trung tâm Giáo dục Vô địch Olympiad Hồng Kông (Olympiad Champion Education Centre from Hong Kong) hợp tác cùng Tổ chức Du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand). Đây là sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho các học sinh yêu thích và đam mê Toán học các khối lớp từ mầm non đến trung học phổ thông, nhằm kích thích và nuôi dưỡng niềm yêu thích Toán học của giới trẻ, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.