Nữ sinh dân tộc Mông quyết tâm học giỏi để thay đổi cuộc đời

GD&TĐ - Mong muốn thay đổi cuộc đời, nữ sinh Giàng Thị Si - sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế (ĐH Thái Nguyên) đã nỗ lực, không ngừng vươn lên trong học tập.

Giàng Thị Si cùng câu lạc bộ tình nguyện tặng quà cho trẻ em thuộc hộ nghèo của huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Giàng Thị Si cùng câu lạc bộ tình nguyện tặng quà cho trẻ em thuộc hộ nghèo của huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Thay đổi định kiến của dân bản

Giàng Thị Si là người dân tộc Mông, quê xã Mường Bon (Mai Sơn, Sơn La). Si sinh ra trong một gia đình thuần nông. Nhà có 4 chị em, Si là chị cả nên mọi việc đều phải làm gương cho các em noi theo, kể cả chuyện học hành.

Tuổi thơ của Si gắn liền với rẻo cao Tây Bắc. Si lớn lên nhờ những ruộng mía, nương ngô. Vì thế, Si thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chưa ăn bữa trước, đã phải lo cho bữa sau. Song đây cũng là động lực để Si quyết tâm vượt khó, vươn lên trong học tập.

Si tâm niệm, học tập để có kiến thức sẽ cách để thoát nghèo bền vững và thay đổi cuộc đời. Song điều quan trọng là, từ học tập của bản thân, Si muốn thay đổi định kiến của bà con dân bản về sự học, để trẻ em của bản làng có tương lai xán lạn, làm chủ cuộc đời.

Giàng Thị Si tham gia hiến máu tình nguyện.
Giàng Thị Si tham gia hiến máu tình nguyện.

Si cho biết, ở Mường Bon vẫn còn nhiều gia đình chưa chú trọng đến việc học hành của con cái. Nhiều gia đình còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ nên càng không quan tâm, chú trọng cho con gái đi học.

Một số gia đình vẫn còn quan niệm, con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết chứ là được. Ở nhà còn phụ giúp bố mẹ, rồi lấy chồng và yên bề gia thất, thế là đủ. Do đó, đa số các bạn học hết THCS, hoặc THPT là phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, lấy chồng, sinh con.

Với những tư tưởng, quan niệm như vậy đã trở thành một trong những rào cản trên con đường học tập của các nữ sinh người dân tộc thiểu số. Vô hình trung, đói nghèo cứ luẩn quẩn, vòng quanh không có lối thoát.

Nữ sinh này cho biết, hiện cả xã Mường Bon, số người đi học đại học, cao đẳng chưa đến 10 người. “Em may mắn được bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để học đại học. Vì thế, em sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm học thật tốt để sau này có công việc, với thu nhập ổn định. Em quan niệm, hình mẫu phụ nữ mới là làm chủ tài chính, làm chủ cuộc đời” – Giàng Thị Si bộc bạch.

Giàng Thị Si và các thành viên câu lạc tiếng Anh tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.
Giàng Thị Si và các thành viên câu lạc tiếng Anh tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.

Học để thoát nghèo

Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, 3 năm học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La, Si đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Bước vào môi trường đại học, Si tiếp tục phát huy thành tích trong học tập. Tất cả học kỳ, Si đều đạt loại giỏi; trong đó có 3 kỳ em được học bổng.

Đáng nói, Si còn vinh dự là một trong những sinh viên của Khoa Quốc tế báo cáo tại hội thảo quốc tế về hợp tác đa ngành lần thứ 18 do ĐH Thái Nguyên phối hợp cùng Trường ĐH Philipine Christian tổ chức.

Không chỉ học giỏi, Si còn là một trong những sinh viên năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động xã hội như: gây quỹ từ thiện, tổ chức chương trình ngoại khóa, hiến máu tình nguyện…

Hiện, nữ sinh này cùng các bạn sinh đại học ở địa phương đã có kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa cho trẻ em trong bản. Mục tiêu là tổ chức các phần thi thuyết trình, câu hỏi tình huống theo đội để các em tự tin và có thêm nhiều kỹ năng hơn ạ.

Giàng Thị Si (ngoài cùng bên phải) cùng các em gái.

Giàng Thị Si (ngoài cùng bên phải) cùng các em gái.

Trao đổi về kinh nghiệm học ngoại ngữ, Si chia sẻ, việc đầu tiên là nỗ lực của bản thân, chịu khó học từ mới và đọc nhiều sách, báo bằng tiếng Anh. Để luyện nói, Si chọn ngồi cạnh các bạn nước ngoài để có nhiều cơ hội giao tiếp, trao đổi lẫn nhau. Từ đó, gia tăng vốn từ và cách phát âm, nhả chữ sao chuẩn người bản ngữ.

“Ngoài ra, em quay lại video nói một mình để tự rút kinh nghiệm của bản thân và nhờ các bạn sinh viên quốc tế góp ý, chỉnh sửa” – Si bật mí. Si muốn truyền cảm hứng học tập cho các bạn trẻ ở quê hương Mường Bon nói riêng và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. “Học tập là giải pháp giúp chúng em thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc đời” – Si quan niệm.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Si trải lòng, em sẽ học tập thật tốt, để sau này trở về cống hiến cho địa phương. Học về kinh tế nhưng Si mong muốn sau khi ra trường được làm các công việc liên quan đến xã hội. Chẳng hạn như: tổ chức các sự kiện, hoạt động cho cộng đồng. Em cũng muốn góp sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng quê hương; trên hết là thay đổi nhận thức của bà con dân bản về sự học, dần xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và các hủ tục lạc hậu khác ở quê nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ