Học sinh đặc biệt trong trạng thái 'bình thường mới'

GD&TĐ -Học sinh khuyết tật, học sinh đặc biệt là những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh khiến trường học đóng cửa. Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các quốc gia đang và sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ nhóm đối tượng này trở lại trường học?

Giáo viên Mỹ hỗ trợ học sinh giáo dục đặc biệt.
Giáo viên Mỹ hỗ trợ học sinh giáo dục đặc biệt.

Trở lại chậm chạp

Khoảng 7 triệu trẻ em Mỹ đang theo học chương trình giáo dục đặc biệt nhưng việc học tập của các em đã bị gián đoạn, thậm chí ngừng hoạt động, khi các trường học đóng cửa vào mùa xuân năm 2020.

Tư vấn hành vi, trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu... đã biến mất hoặc được tổ chức một cách sơ sài qua hình thức trực tuyến trong thời gian trường học chuyển sang dạy online.

Đối với nhiều trẻ em khuyết tật, sự gián đoạn này không thể diễn đạt bằng hai từ “khó khăn” bởi tác động của nó lên các em quá tàn khốc.

Có con trai 7 tuổi bị khiếm thị, chị Kate Maglothin, sống ở thành phố Waterford, bang Michigan, cho biết: Việc học ở nhà mà không có sự hỗ trợ từ giáo viên giáo dục đặc biệt khiến con trai chị kiệt quệ về mặt thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc. Chị chỉ biết buồn cho con.

Theo Đạo luật Giáo dục dành cho người khuyết tật (IDEA) của liên bang, trẻ em khuyết tật được hưởng nền giáo dục công lập đặc biệt và miễn phí. Điều này đồng nghĩa các trường học phải chu cấp chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các nhà trường sẽ phối hợp với gia đình đánh giá nhu cầu đặc biệt của trẻ để từ đó xây dựng chương trình giáo dục cá nhân hóa. Mỗi bài đánh giá đều là tài liệu pháp lý, là bản đồ hướng dẫn các dịch vụ và mục tiêu cần thiết cho mọi đứa trẻ.

Tuy nhiên, trong dịch Covid-19, không có cơ hội tiếp cận với các nhà giáo dục, nhà trị liệu và chương trình giáo dục đặc biệt, nhiều phụ huynh chứng kiến con cái trượt lùi, mất đi các kỹ năng học tập, xã hội và thể chất.

Khi nước Mỹ chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các gia đình đang yêu cầu sự giúp đỡ của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và toàn xã hội để bù đắp cho quãng thời gian đã bị bỏ lỡ.

Ngày 24/8/2021, khi các trường phổ thông tại Mỹ mở cửa lại, Văn phòng Dịch vụ Giáo dục đặc biệt và phục hồi (OSERS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ, đã gửi thư cho chính quyền các địa phương, liên bang nhắc lại cam kết đảm bảo trẻ khuyết tật và gia đình được trải nghiệm giáo dục và can thiệp sớm thành công trong năm học 2021 - 2022.

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục đã cung cấp thông tin, nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương đưa trẻ khuyết tật trở lại với các chương trình giáo dục đặc biệt trực tiếp. Học sinh giáo dục đặc biệt được hưởng các dịch vụ bồi thường để bù đắp cho các kỹ năng đã mất trong đại dịch.

Bộ Giáo dục đề nghị Học viện Nhi khoa Mỹ đóng vai trò hỗ trợ giáo viên, nhân viên các trường học bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực nghiệp vụ để trang bị lại kiến thức cho trẻ em giáo dục đặc biệt.

Trung Quốc cần tăng cường nguồn lực cho giáo dục đặc biệt.

Trung Quốc cần tăng cường nguồn lực cho giáo dục đặc biệt.

Khó khăn chồng chất

Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona khẳng định: Phục vụ tất cả trẻ em, trong đó có học sinh khuyết tật, trong các trường công lập không chỉ là luật mà còn là nghĩa vụ, đạo đức và hành động công bằng mạnh mẽ. Chúng ta cần công nhận và tôn vinh những điểm khác biệt này là điểm mạnh và cần giúp tất cả trẻ em tiến bộ trong quá trình giáo dục đầy thách thức.

Tại Trung Quốc, GS Wang Haiping (Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải), cho biết: Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển giáo dục đặc biệt trong thập kỷ qua với số lượng học sinh đi học tăng nhanh, đặc biệt là trong ba năm gần đây. Nhưng khi so sánh với sự phát triển của giáo dục cho trẻ em khỏe mạnh, khoảng cách này đã mở rộng vì Covid-19.

Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 795 nghìn học sinh có nhu cầu đặc biệt theo học vào năm 2019. Trong đó, 49% học ở trường phổ thông, 21,5% học ở nhà và 0,48% học trường giáo dục đặc biệt.

Các trường đặc biệt tồn tại vì trường bình thường chưa được trang bị kiến thức chuyên môn hoặc nguồn lực cần thiết để cung cấp cho học sinh có nhu cầu đặc biệt một trải nghiệm học tập chất lượng. Sau dịch Covid-19 việc khắc phục điều này sẽ là một hướng đi đúng hướng.

Ngày 5/1, chính quyền quận Jing'an, thành phố Thượng Hải, đã ban hành chính sách hành động để phát triển giáo dục hòa nhập. Trong đó, quận yêu cầu các trường học trên địa bàn thành lập nhóm làm việc về giáo dục hòa nhập.

Chính quyền quận cam kết sẽ hỗ trợ cho hệ thống giáo dục đặc biệt trong trường phổ thông, bao gồm đào tạo giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... Ở các địa phương khác, trường học phối hợp với các tổ chức việc làm giới thiệu công việc phù hợp cho học sinh khuyết tật.

Tuy nhiên, việc giáo dục đặc biệt tại Trung Quốc vẫn là mô hình mới, chưa nhận được nhiều sự quan tâm đúng đắn từ các cấp chính quyền. Số lượng trường phổ thông có chương trình giáo đục đặc biệt còn thấp.

Trong bối cảnh nước này vẫn áp dụng biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, việc hồi phục và phát triển lĩnh vực giáo dục đặc biệt còn nhiều trở ngại.

Tương tự, tương lai giáo dục đặc biệt tại Mỹ vẫn là bài toán khó. 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều kỹ năng, kiến thức của trẻ khuyết tật nên hiện nay, nhiều giáo viên cho biết phải dạy lại hoàn toàn từ thói quen sinh hoạt đến kỹ năng xã hội, cảm xúc.

Chưa kể, nhiều em bị tác động tâm lý sau thời gian dài ở nhà nên phải có sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời để chăm sóc tinh thần cho các em.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt trên cả nước. Cũng có phản ánh rằng trẻ em khuyết tật không nhận được các dịch vụ cần thiết khi trở lại trường học.

Các dịch vụ bao gồm liệu pháp nói và ngôn ngữ, hỗ trợ toán học và đọc, hướng dẫn cải thiện kỹ năng xã hội và cảm xúc... Các dịch vụ khác nhau tuỳ từng học sinh và dựa trên nhu cầu cá nhân của các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.