'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy'

GD&TĐ - Cuốn sách 'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy' vừa gọi về những kí ức bâng khuâng, vừa mang những phút giây vui vẻ mà cũng gợi ra không ít suy ngẫm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Viết về tuổi học trò, “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” chứa đựng mong muốn giản dị: “Mong rằng cuốn sách nhỏ bé này sẽ giúp chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại một vài khoảnh khắc, quay về thời gian mà mỗi người lớn đều từng là học sinh, từng ở lứa tuổi “teen teen” ngày nào”.

“Lớn rồi”… cơ đấy!

Ngay từ bìa sách, người đọc có thể cảm nhận rõ nét những nét học trò đầy tinh nghịch bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Không khó để nhận ra trong nét vẽ của X.Lan trên bìa sách tái hiện hàng loạt “hành vi” quen thuộc của học sinh qua biết bao thế hệ như trèo tường trốn học, ăn vặt trước cổng trường…

Bên cạnh vẻ “nhất quỷ nhì ma” thì trong từng bức tranh minh họa của mình, X.Lan vẫn tạo ra những nét rất riêng chỉ có thể thấy ở thế hệ học sinh những năm 2000, qua đó giúp cho tác phẩm trở nên độc đáo, cuốn hút.

Tháng 3 này, Wings Books - Thương hiệu sách trẻ của Nhà xuất bản Kim Đồng tròn 6 tuổi. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng và Ban biên tập Wings Books tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt và giới thiệu sách mới: “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” (Hà Nội) và “Tàn lửa” (TP Hồ Chí Minh).

Cùng với “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” được in khổ vuông 20 x 20 cm, trên chất liệu giấy giả cổ mang lại cảm giác hoài niệm, truyện tranh “Tàn lửa” của họa sĩ Lilywiu (Việt Nam), dự kiến có 7 tập, kể câu chuyện về gia đình lấy cảm hứng từ bối cảnh xã hội Việt Nam thập niên 30 của thế kỷ trước.

Bên cạnh cốt truyện mới lạ, tác giả đầu tư vào phần hình ảnh, nhất là việc thể hiện kiến trúc nhà cổ và trang phục của người Việt trong giai đoạn đó. Qua “Tàn lửa”, Lilywiu mong muốn đem lại cho người đọc một trải nghiệm thú vị và cái nhìn đa chiều về chủ đề niềm tin, lòng tham và kết quả của những sự lựa chọn.

Nhất là, với những người đã từng là một mảnh ghép của thanh xuân, của thời học sinh vào những năm 2000 khi cầm cuốn sách này trên tay hẳn sẽ hồi hộp, bồi hồi tìm lại mình qua từng câu chuyện.

Còn với thế hệ sau lại bị cuốn hút bởi câu hỏi: “Không biết thế hệ học sinh trước đã học tập và nghịch ngợm như thế nào, có giống như thời nay không?”. Cùng với đó, 19 câu chuyện nhỏ xinh chia thành 3 phần được Trang Neko kể như mang được cả bầu trời kí ức đến với người đọc. Tuy các câu chuyện đều ngắn, có những truyện chỉ gói gọn trong một trang nhưng lại có sức hút mãnh liệt.

Phần đầu tiên mang tên “Lớn rồi!”. ““Lớn rồi! Tự làm đi!” - Đó là câu tôi được nghe từ bố mẹ với mật độ nhiều hơn hẳn khi tôi bắt đầu lên lớp Sáu”. Thật vậy, không chỉ với người viết mà ngay cả nhiều độc giả khác đều cảm thấy bản thân có một sự trưởng thành vượt bậc khi bắt đầu đặt chân lên lớp 6 – lớp đầu tiên của khối THCS mà vẫn hay được gọi tắt là cấp 2.

Và dĩ nhiên, khi đã lớn rồi thì sẽ có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống. Một trong những thay đổi “trọng đại” nhất để chính thức đánh dấu mình là học sinh cấp 2 “chính là có thể tự đi học”: “Lần đầu tiên tự đạp xe đến trường, tôi thấy mình thực sự đã làm được một điều vô cùng to tát, dù mãi sau này tôi mới biết bố âm thầm đi xe máy theo sau giám sát”, nhân vật “tôi” trong “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” nhớ lại như vậy.

Có lẽ, được ngồi trên ngựa sắt của riêng mình phi đến trường là giấc mơ của rất nhiều thế hệ học sinh cho dù “con đường dẫn đến ngôi trường cấp hai của tôi toàn gạch đá”. Nhưng, bên cạnh sự hãnh diện khi lần đầu được độc lập thung thăng đến trường là chợt có cảm giác tẽn tò khi biết rằng bố vẫn âm thầm dõi theo.

Cùng với câu chuyện tự mình đi học, có một hoạt động nữa mà mọi học sinh khi đến độ tuổi “Lớn rồi!” đều trải qua – đó là việc đi học thêm. Thật buồn và oải khi vào những ngày đáng ra cần được nghỉ ngơi, rong chơi mà lại phải cắp sách vở đi học thêm.

Đã thế, đôi khi lịch học thêm thật “tréo ngoe” nếu trùng vào đúng những chương trình mà chúng ta thích như trận bóng quan trọng của đội tuyển quốc gia, giờ xem bộ phim đang mong chờ.

Thế nên, đối với học sinh THCS, nhất là với những ai coi “học là một tài năng, và đáng tiếc là hình như tôi hơi thiếu tài năng trong lĩnh vực này” như “tôi” của “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” sẽ thấy việc đi học thêm thật đáng ghét. Đáng ghét vậy đấy nhưng khi thời học sinh đã qua rồi và cùng ngồi ngẫm lại ai cũng sẽ có khối chuyện cười ra nước mắt để nhắc nhớ về nó.

Những nét học trò đầy tinh nghịch được họa sĩ X.Lan thể hiện trên bìa sách 'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy'. Ảnh: Hoàng Anh.

Những nét học trò đầy tinh nghịch được họa sĩ X.Lan thể hiện trên bìa sách 'Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy'. Ảnh: Hoàng Anh.

Nỗi sợ… “xuyên thấu”

Phần hai và phần ba của cuốn sách lần lượt mang tên “Những trò hay ho - Thời xưa khắc có” và “Ngày xưa ra sao - Ngày nay vẫn vậy”. Ngay từ cách đặt tên ấy đã thể hiện được khái quát chủ đề chính mà tác giả chuẩn bị kể và đương nhiên tập trung vào những câu chuyện của tuổi “ẩm ương”, nhưng không phải là sự đơn độc, mà là “sẽ luôn có đồng đội cùng nhau trải qua những ngày tháng ấy”.

Đi với học sinh những năm 2000 thì “thời điểm tôi được mua báo “Hoa học trò” thay vì báo “Nhi đồng” đã đánh dấu một bước trưởng thành trong suy nghĩ của tôi”.

Vì sao ư? Vì “vốn dĩ tôi mong lớn lên sẽ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh, nhưng sau khi nghiền ngẫm những truyện ngắn đăng báo thì tôi lại ôm mộng trở thành nhà văn”. Vậy, cuối cùng cô bé ấy có đi đến được giấc mộng của mình hay không? Câu trả lời có ở trong cuốn sách với mục “Tờ báo quốc dân”.

Bên cạnh đó, thời của 2000 ấy còn có biết bao lãng đãng khi mong anh Quich, chị Snow đọc lá thư yêu cầu ca khúc “mà cả lũ thi nhau gửi đến”, thậm chí còn muốn thực hiện chương trình phát thanh giờ ra chơi theo yêu cầu.

Ngoài ra, việc tự làm cho bản thân một sổ bài hát hay là hình tượng tóc nâu môi trầm đến từ Hàn Quốc rồi thư ngăn bàn, những trò bói toán, nhật ký truyền tay… cũng là những “hot trend” của lứa tuổi teen thời bấy giờ.

Sau những mộng mơ ẩm ương ấy, bước sang phần ba của cuốn sách sẽ là bao nỗi lo “chung” của học sinh xưa và nay. Nỗi lo “chung” không gì khác chính là hoạt động kiểm tra miệng đầu giờ, cuốn sổ đầu bài quyền lực, “tui sao đỏ” hay là những buổi họp phụ huynh giữa năm và cuối năm.

Ví như, trong chuyện cùng giúp đỡ nhau “chép phao” trong giờ kiểm tra môn Lịch sử với kỳ vọng về một điểm số tươi tắn nhưng cái kết thì bởi thằng bàn cuối làm rơi phao và “cô lại quyết truy cho đến cùng nhưng không đứa nào chịu khai… Kết quả là cả dãy bọn tôi được bê hết vào sổ ghi đầu bài với lý do “lãng xẹt” là quá đoàn kết trong giờ kiểm tra”.

Và, không chỉ mang lại tiếng cười với những trò nhất quỷ nhì ma kinh điển của lứa tuổi học trò, tác giả Trang Neko còn khéo léo, tinh tế thể hiện được cả những nỗi sợ vô hình âm thầm của học sinh trước áp lực học tập, “mong muốn đáp ứng được kì vọng của bố mẹ”.

Những mảnh ghép tuổi học trò vui tươi, hồn nhiên… Ảnh: Hoàng Anh.

Những mảnh ghép tuổi học trò vui tươi, hồn nhiên… Ảnh: Hoàng Anh.

Đó có thể là nỗi lo lắng giữa đường không biết có quên sách vở mà sao cái cặp nhẹ hơn; sợ học một môn nào đó đến nỗi cảm thấy… đau bụng. Thậm chí: “Nhận về một bài kiểm tra điểm kém, suy nghĩ đầu tiên là không muốn về nhà. Biết kết quả thành tích cuối năm, điểm phẩy môn này, môn kia không đủ, lại càng muốn giấu mình trong nỗi lo âu do áp lực”.

Bởi vậy, “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” vừa gọi về những kí ức bâng khuâng, vừa mang những phút giây vui vẻ mà cũng gợi ra không ít suy ngẫm cho các bậc cha mẹ về câu chuyện làm bạn với con mình.

Chẳng thế mà, chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trang Neko bày tỏ: “Những trang viết, từ “199 mấy – Hồi ấy làm gì?” (2020) đến “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” (2024), giống như việc khơi lại một quá khứ tươi đẹp với 2 giai đoạn khác biệt.

Giai đoạn đầu “199 mấy…” là cô nhóc tiểu học chỉ đắm đuối với các trò chơi trong nhà, khu tập thể, có vẻ chưa ham học. Sang “…2000 hồi ấy” là đúc kết những đặc biệt của 8X thời ấy và cũng in dấu đậm nét hơn so với lứa tuổi trước đó.

Qua đây, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp: Những người chúng mình cũng đã từng trải qua quãng thời gian như thế giờ đây đều đã trưởng thành, nhiều người trở thành phụ huynh nên hãy đồng cảm hơn với con cái của mình. Hãy đặt vị trí của mình vào lứa tuổi các con bây giờ để cho chúng một tuổi thơ nó vui vẻ, đẹp đẽ hơn và có thể cùng đồng hành với các con giống như một người bạn”.

Còn với họa sĩ X.Lan, mỗi bức tranh được vẽ giống như lúc cô ngồi nhớ lại những kỷ niệm mình trải qua. “Vậy nên đối tượng độc giả tôi nghĩ đến sẽ là những người ở tuổi như tôi và có thể trước đó một chút vì có cùng trải nghiệm giống nhau.

Ở “199 mấy – Hồi ấy làm gì?”, tôi không nghĩ các em nhỏ đọc mà chủ yếu là bố mẹ. Nhưng sau đó có nhiều phụ huynh chia sẻ họ cho các con của họ đang học tiểu học, THCS đọc và các em rất thích thú, kiểu như được biết quá khứ của bố mẹ như thế nào.

Cuốn này sẽ mong tiếp nối được điều đó, nghĩa là những ai đã trải qua thì được ôn lại thời tươi đẹp đó, còn ai chưa trải qua thì biết được bố, mẹ, anh, chị mình có một thời học sinh như thế nào”, họa sĩ X.Lan nói.

“Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” không phải là cuốn tự truyện. Nó là tập hợp của rất nhiều câu chuyện về thế hệ của chúng tôi, cùng những kỷ niệm của nhiều người. Với tôi, cái gì đẹp sẽ luôn ở trong tim và mọi kỷ niệm giống như mới trải qua ngày hôm qua, tôi luôn trân trọng quãng thời gian đó, đồng thời đúc kết và gửi đến cho mọi người để sống lại những khoảnh khắc ấy cùng với chúng tôi khi cầm trên tay cuốn sách” - Tác giả Trang Neko.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ