Cần giáo dục cho học sinh, đặc biệt là giới trẻ hiểu được bản sắc văn hóa địa phương, quốc gia, dân tộc; tự hào về nền văn hóa mới có động lực để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc.
Giáo dục văn hóa cho giới trẻ
Theo ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Tuyên truyền - Quảng bá, Trung tâm Quảng bá, Xúc tiến Văn hóa – Du lịch Hà Tĩnh (Sở VH-TT và Du lịch Hà Tĩnh), “chấn hưng” – theo từ điển Tiếng Việt là “Làm cho nổi lên hơn trước; Làm cho thịnh vượng hơn trước”.
Việt Nam đã và đang hội nhập với thế giới về mọi lĩnh vực. Những yếu tố văn hóa tích cực từ các nền văn minh bên ngoài hợp lưu với dòng chảy văn hóa Việt giúp chúng ta có cơ hội mở cánh cửa hội nhập với thế giới, mang lại các giá trị kinh tế - xã hội. Con người Việt Nam trở nên chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp xã hội, hòa cùng cái “ta” cộng đồng, phá bỏ được những rào cản định kiến phương Đông hẹp hòi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc du nhập ồ ạt các yếu tố văn hóa nước ngoài cũng gây ra một số hệ lụy trong đời sống người Việt. Theo dòng chảy của văn hóa ngoại lai, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại được tuồn vào theo nhiều con đường.
Từ đó, một bộ phận không nhỏ người Việt, nhất là giới trẻ - vốn dĩ rất nhạy cảm với những cái mới, lạ - đã có những quan điểm lệch lạc về cuộc sống, phai nhạt lý tưởng, tôn thờ lối sống thực dụng, chạy theo chủ nghĩa vật chất, xa rời văn hóa truyền thống, lệch chuẩn về đạo đức, thị hiếu, thẩm mỹ… Theo đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị sao lãng, mai một nhường chỗ cho sự “xâm lăng” của lai căng, biến tướng, phần nào “nhuộm đen” văn hóa bản địa.
Do vậy, muốn “chấn hưng văn hóa”, nhân tố con người phải được đặt lên hàng đầu, nhất là thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước. Ông Trần Đức Cường cho rằng: Có những con người văn hóa mới có xã hội văn hóa; con người tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp. Và giáo dục chính là mạch nguồn khởi tạo, dung dưỡng, phát huy nhân tố con người để từ đó tạo ra những thành quả trong công cuộc chấn hưng văn hóa đất nước. Cho nên, “Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục” là một quan điểm hết sức đúng đắn.
Dưới góc nhìn người quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nhận định: Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong cuộc sống và lao động. Trong khi đó, giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất con người. Do vậy, muốn “chấn hưng văn hóa” thì phải coi giáo dục là gốc, nhân tố quan trọng, quyết định. Trong đó, việc giáo dục cho giới trẻ - những chủ của đất nước trong môi trường học đường rất cần thiết.
Làm sao để giáo dục văn hóa hiệu quả?
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Trương Thị Mai Hoa, giảng viên Trường ĐH Hà Tĩnh nêu quan điểm: “Để hình thành văn hóa của học sinh, sinh viên, thiết nghĩ cần có sự chung tay vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhân cách, đạo đức, lối sống của một con người phải được giáo dục từ nhỏ trong chính môi trường gia đình của mình từ cách ăn, mặc, nói năng, giao tiếp với ông bà, bố mẹ, anh chị…
Về phía nhà trường, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, dạy cho các em biết làm người tử tế, trung thực, nhân ái, đoàn kết, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, lối sống để học sinh noi theo.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), cô Tống Thị Thanh Bình cũng bày tỏ đồng ý với quan điểm “Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”.
Theo cô Thanh Bình, để giáo dục văn hóa hiệu quả trong nhà trường, trước hết mỗi cán bộ, giáo viên phải xác định rõ tầm quan trọng của giáo dục văn hóa cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường phải thống nhất rõ và cụ thể trong từng cán bộ giáo viên về đối tượng mình giáo dục là ai? cần giáo dục những gì và như thế nào cho phù hợp. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch năm học, ban giám hiệu cần xây dựng hướng mở để giáo viên khi khi lồng ghép chương trình học được chủ động, linh hoạt và sáng tạo mang lại kết quả thiết thực.
Cô Bình cũng ghi nhận những hiệu quả trong việc đổi mới SGK theo Chương trình GDPT mới, dù nhẹ hơn chương trình cũ nhưng giúp giáo viên chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giảng dạy. Đặc biệt, Chương trình GDPT mới có thêm giáo dục địa phương đã góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.
“Mặc dù chương trình GDPT trước đây đã có nhưng đây là lần đầu tiên tài liệu giáo dục địa phương được xây dựng riêng biệt. Ở Hà Tĩnh chương trình này được soạn thảo với đầy đủ các nét văn hóa đậm đà bản sắc của đất và người Hà Tĩnh. Hình ảnh bắt mắt và sống động là điều kiện tích cực giúp học sinh yêu thích và tiếp cận văn hóa dân tộc một cách chủ động”, cô Bình cho hay.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng - Trường ĐH Hà Tĩnh, cần đầu tư kinh phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất, các hoạt động trải nghiệm tìm về nguồn cội để học sinh được tiếp xúc trực tiếp với những giá trị lịch sử văn hóa của quốc gia, dân tộc. Giáo dục không chỉ từ nhà trường mà phải gắn với giáo dục gia đình và xã hội.
Tiến sĩ Hằng cũng nêu kiến nghị đến các cấp ngành chức năng cần chấn hưng và phục hồi văn hóa trên mọi mặt đời sống xã hội. Phải có sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, từ việc khôi phục, chấn hưng cho đến phát triển văn hóa. Văn hóa cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế chung của toàn cầu. “Học sinh chỉ yêu văn hóa khi hiểu được văn hóa. Vì vậy, giáo dục văn hóa cũng cần có sự thay đổi, linh động để tiếp cận với giới trẻ”, Tiến sĩ Hằng nhấn mạnh.