Học phụ nữ thông minh hy sinh đúng cách cho gia đình

GD&TĐ - Từ bỏ bản thân, quên đi tất cả các nhu cầu của bản thân, quên đi năng lực của mình mà hy sinh dành cho việc nhà và chăm sóc chồng con. 

Phụ nữ đừng gồng mình hy sinh vô nghĩa (hình minh họa).
Phụ nữ đừng gồng mình hy sinh vô nghĩa (hình minh họa).

Thực tế thì sao? Những hy sinh của vợ có nhận được tình yêu thương hơn từ chồng?

Tự nguyện trở thành người nội trợ hoặc chọn việc làm yêu cầu ít thời gian, còn lại thời gian chăm sóc gia đình. Phụ nữ làm như thế vì cho rằng mình hy sinh như vậy thì sẽ được ghi nhận, sẽ được chồng cảm động, từ đó càng yêu thương mình hơn.

Việc tình nguyện ở nhà hoặc chọn công việc ít thời gian để chăm sóc gia đình có vẻ ổn thỏa lúc ban đầu. Khi ấy hai vợ chồng đều đặt việc chăm sóc gia đình là trên hết. Thế nhưng, chỉ được một thời gian sẽ nhận thấy bất ổn.

Không nên ôm đồm mọi việc để chồng công nhận công lao của mình. Không thể mong đợi người khác đối xử với mình như những gì mình mong muốn đối xử với họ. Không có một định lý nào trên sách vở, hay một quy luật nào của cuộc sống, nói rằng "người khác có nghĩa vụ đối xử với ta như cách ta đối xử với họ” mà chỉ có "đối xử với người khác như những gì mình mong muốn người khác đối xử lại với mình".

Người chồng sẽ ngày càng cảm thấy sự hy sinh này của vợ là sự hiển nhiên, không còn đánh giá cao như ban đầu nữa. Lâu dần cảm thấy thờ ơ, kệ, phó mặc, khoán trắng, hiển nhiên xem việc “xây tổ ấm” cho vợ. Từ lúc nào không hay chồng tỏ thái độ coi thường, đánh giá thấp kém công việc mà vợ đang đảm trách.

Cho rằng việc làm nhàn hạ, kiếm ít tiền ở chỗ làm chỉ bằng một phần mấy chục lương của chồng vì thế vợ phải đảm đương việc nhà, phải để chồng nghỉ ngơi, thư thái vì đã lo lắng tài chính cho cả nhà.

Những công việc lặp đi lặp lại, buồn tẻ là có thật, vợ dần trở nên cũ kỹ, mất sức hút và nhàm chán trong mắt chồng. Vô tình, hai tâm hồn lúc này trở nên xa lạ, trở nên trái ngược, còn đâu tháng ngày đồng điệu trước đó.

Từ chỗ đó vợ chồng trở nên dần xa nhau. Chồng vô tình chán vợ và vợ vô tình trở thành gánh nặng cảm xúc của chồng. Trong thâm tâm, chồng không muốn làm kẻ phụ bạc nhưng nhìn vợ thế kia thì lấy đâu ra cảm xúc để say đắm nữa.

Phụ nữ thường nhạy cảm nên cũng phần nào cảm nhận được sự chán chường ở chồng nên trong lòng có sự dằn vặt. Thấy rằng mình hy sinh như thế mà chồng lại không đánh giá cao. Thấy rằng như thế là bất công, là thiệt thòi nên vợ cũng buồn bã. Từ buồn bã tâm trạng trở nên buồn bã trong lời nói.

Trở nên hay ca thán, hay than thân trách phận với đồng nghiệp, với hàng xóm hoặc với bất cứ ai lúc rảnh rỗi cùng lời trách móc chồng rằng chồng vô tâm, chồng bội bạc, chồng không tốt với vợ, không biết ơn đến sự hy sinh của vợ. Như vậy, cả chồng và cả vợ đều không vui, không hạnh phúc. Lúc này suy nghĩ lại thì thấy sự hy sinh của vợ có đáng không?

Thế nên, đừng cho rằng sự hy sinh là tốt, là sẽ nhận được quả ngọt. Điều quan trọng là phải biết đánh giá đúng về tầm nhìn để có quyết định sáng suốt về sự hy sinh ấy.

Nếu hy sinh mà đem lại hạnh phúc cho cả gia đình, cho cả bản thân thì chẳng phải bàn nhưng nếu hy sinh mà chỉ đem lại niềm vui cho một phía (chồng con) thì liệu sức của mình sẽ chịu được bao lâu? Liệu mình có thể mãi giả vờ vui sau vỏ bọc hạnh phúc ấy? Có thể dối được người ngoài nhưng không thể dối được lòng mình. Chỉ có sự trung thực với bản thân thì mới tìm được thanh thản, vui vẻ mà thôi.

Có thể vì hoàn cảnh nên chỉ ăn mặc như một phụ nữ bình thường, chẳng cần hàng hiệu nhưng phải nâng niu, yêu chiều đối xử với cơ thể như một nữ hoàng của chính mình. Chăm chút cho tâm hồn phong phú, bao dung, vui vẻ và quan trọng nhất là phải trung thật với bản thân.

Khi mình thích điều gì hoặc ghét điều gì thì phải biết rõ vì khi ta đối xử với bản thân mình trung thật, khi đó ta sẽ tự biết cách yêu chiều mình để mang lại sự thanh thản và hạnh phúc cho bản thân, sau đó mới đủ khả năng chăm sóc, quan tâm và mang đến hạnh phúc cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ