Học online tại TPHCM: Học sinh tiểu học dần thích ứng

GD&TĐ - Sau hơn 1 tuần bước vào năm học mới với hình thức trực tuyến, nhiều giáo viên tiểu học cho biết phần lớn học sinh dần quen với việc học.

Một học sinh lớp 4 (TPHCM) học online.
Một học sinh lớp 4 (TPHCM) học online.

Tuy không có bạn bè học cùng, không giảng đường nhưng học sinh, giáo viên và nhà trường cùng nỗ lực để đạt mục tiêu tốt nhất.

Chưa thể trọn vẹn 100%

Nói về những tín hiệu tích cực sau hơn 1 tuần triển khai dạy học trực tuyến, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết: Đa số học sinh tham gia tích cực học trực tuyến, nhiều phụ huynh hợp tác với giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và tạo điều kiện cho học sinh có thiết bị tham gia học trực tuyến.

“Tuy nhiên, vẫn có một số em bị tín hiệu đường truyền yếu, mất tín hiệu nên bị gián đoạn giờ học. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn làm thay phần học của các con” - thầy Huỳnh Tấn Phát chia sẻ.

Tương tự, thầy Huỳnh Tấn Phát - GVCN lớp 3/8 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho hay: Học sinh bắt đầu hình thành thói quen vào học đúng giờ, trở lại nếp học bài và làm bài giáo viên giao cho. Đồng thời, phụ huynh cũng dần an tâm và cho các bé tự học, tích cực trao đổi với giáo viên.

Em L. Phương - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TPHCM), chia sẻ: “Con thích học ở trường hơn, nhưng ba mẹ nói phải học online để phòng chống dịch Covid, sau 1 tuần con dần quen với thời khóa biểu và tham gia lớp học tích cực hơn”.

Nói về tỷ lệ học sinh tham gia các lớp học trực tuyến trong hơn 1 tuần qua, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, trường có 1.562/1.738 học sinh tham gia lớp học.

“Hằng ngày tổ trưởng các khối đều báo cáo sĩ số lớp học. Đối với trường hợp học sinh vắng học, nhà trường chỉ đạo cho giáo viên gọi điện tìm hiểu nhưng một số phụ huynh không bắt máy; đồng thời một số học sinh về quê rồi bị mắc kẹt do giãn cách xã hội nên cũng không liên lạc được. Nhà trường đã lập danh sách gửi chính quyền địa phương điều tra và tìm hiểu” - thầy Phạm Trung Hữu nói. 

Một buổi học trực tuyến của giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Một buổi học trực tuyến của giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM).

Dạy học online không nhàn chút nào

Nói về việc chuẩn bị cho việc dạy online, cô Bích Vân - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (Quận 6, TPHCM) chia sẻ: Dạy học online giáo viên cực hơn dạy trực tiếp rất nhiều. Vì giáo viên phải sử dụng máy vi tính kết nối đường truyền với phụ huynh, làm các clip để gửi cho học sinh, hầu như tất cả đều phải trên máy. Dạy xong tới khâu chấm bài, sửa bài cho các em cũng trên máy tính.

“Nhiều khi cả ngày tôi cứ ôm cái máy tính. Diễn đạt trên các clip cũng phải chính xác nên nhiều lúc làm clip cả buổi xong xem lại thấy có từ không ổn là phải mở ra chỉnh sửa. Nhìn máy tính nhiều nên mắt cũng khó chịu. Chưa kể mấy con của tôi cũng học online cùng lúc khiến đường truyền nhiều lúc liêu xiêu” - cô Bích Vân tâm sự.

Anh Nguyễn Tú (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM) có con học lớp 1 thừa nhận, gia đình có con học lớp 1, phụ huynh rất cực, phải túc trực liên tục nên đôi khi ảnh hưởng đến công việc.

“Hằng ngày cô giáo giao bài để cháu tập viết, xong phụ huynh chụp gửi cho cô. Nếu bài nào không đảm bảo, cô yêu cầu viết lại. Cháu nhà tôi còn nợ 5 bài chưa viết xong” - anh Nguyễn Tú cho biết.

Trong khi đó, cô Lê Thị Hoàng Yến - giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Âu Dương Lân cho rằng: Dạy trực tuyến lệ thuộc nhiều thứ, từ mạng Internet, cấu hình máy tính… đồng thời học sinh còn nhỏ nên cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phụ huynh rất nhiều.

“Tuần đầu dạy online tôi thực sự stress. Khi giáo viên gửi thời khóa biểu, nhiều phụ huynh vào group lớp, người thì yêu cầu cô dạy buổi sáng do chiều anh cháu học online, người thì yêu cầu cô dạy buổi chiều do chị cháu học online buổi sáng… Thậm chí có phụ huynh yêu cầu GVCN sao không dạy online bằng ứng dụng Zoom mà lại đi dạy trên Google meet… Đồng thời, có phụ huynh còn báo cáo với nhà trường là giáo viên không nghe góp ý của phụ huynh…” - cô Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.

Theo thầy Phạm Trung Hữu, dạy học trực tuyến là giải pháp thích hợp để học sinh tiếp thu kiến thức trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình này sẽ bị hạn chế bởi thời gian và không gian tương tác, công nghệ cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Do vậy đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học cùng sự hỗ trợ của phụ huynh. Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Nếu giáo viên không cập nhật, đổi mới bài giảng sẽ rất khó thu hút học sinh.

“Nhà trường khuyến khích thầy cô dùng nhiều phương pháp dạy học trên Internet, dạy học trực tuyến và chọn cách thức truyền thụ dễ dàng nhất để học sinh đủ phương tiện và điều kiện học tập tốt nhất…” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã thống kê số lượng học sinh khó khăn và tặng 51 bộ sách giáo khoa cho những học sinh không có… Đồng thời, giáo viên thường xuyên gửi bài bằng file word, chụp hình gửi cho phụ huynh để hướng dẫn học sinh thực hiện. Còn đối với học sinh không liên lạc được, nhà trường sẽ phụ đạo thêm cho các em khi đi học bình thường trở lại.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) có 2 con (học lớp 4 và lớp 2) cho rằng học online ở nhà, trường không giảm được khoản chi nào, lại phải đầu tư thêm vào công nghệ. Giáo viên/giảng viên dạy online cũng vất vả hơn nhiều, loay hoay học đủ “trò” mới để người học khỏi chán. Ngày nào group chat của bộ môn mình cũng ríu rít chia sẻ với nhau các “chiêu” để dạy online tốt hơn. Tiền điện lúc dạy ở nhà tăng vọt, chưa kể nhiều khi phải mua thêm máy tính, laptop vì bố mẹ thì làm việc, con lại học cùng lúc.

“Dịch chắc còn kéo dài, học sinh, nhất là sinh viên học online thường xuyên. Tuy nhiên, dường như trong ý thức của không ít cha mẹ học sinh và nhà trường đều coi việc học trực tuyến chỉ là giải pháp đối phó tạm thời và mặc định là không hay/ không tốt bằng lớp học truyền thống nên không tính chuyện đầu tư bài bản …”, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ