Trăn trở của nhà trường và phụ huynh
Anh Lê Phương (Nam Từ Liêm – Hà Nội, hiện đang rất lo lắng vì sắp tới không biết con mình sẽ trải qua việc học online như thế nào.
“Năm nay con gái tôi lên lớp 1, ở một số môn học, đặc biệt là môn Tập viết khó có thể học qua màn hình. Bởi, học sinh ở tuổi này cần được cầm tay trực tiếp, đưa những nét bút đầu tiên, phải kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Nếu không có kỹ năng sư phạm thì khó có thể hướng dẫn được.
Ngoài ra, gia đình tôi chỉ có duy nhất 1 chiếc máy tính, con học thì bố không có máy làm việc, để con học bằng điện thoại nhiều sợ làm ảnh hưởng đến thị lực của cháu. Dự định mua thêm máy tính, nhưng chưa đủ tiền, vì thế tôi đang trăn trở”, anh Phương chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Hòa (Thanh Oai – Hà Nội) cho biết, nhiều phụ huynh không có đủ thiết bị, trước đó có gia đình phải đưa con sang hàng xóm để mượn máy tính, điện thoại để học online.
“Dịch bệnh, cô trò đều vất vả, đặc biệt đối với học sinh lớp 1 lại càng khó khăn bội phần. Sắp tới trường chưa biết phải sắp xếp lịch dạy và học ra sao cho hiệu quả, lứa tuổi này các em còn nhỏ, nhà trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Phòng GD&ĐT để có hướng đi sắp tới”- cô Thắm nói.
Theo ông Nguyễn Như Ý – Trường Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội), huyện đang chỉ đạo các trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng phương hướng.
“Việc tổ chức dạy học online cho học sinh lớp 1, lớp 2 cần sự trợ giúp của người lớn. Nhiều gia đình hiện nay đang gặp khó khăn về các trang thiết bị như: Máy tính, điện thoại, kết nối mạng internet… Do vậy, Phòng đang động viên các nhà trường, tìm cách phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ tối đa cho các em”- ông Ý thông tin.
Không nên cứng nhắc
Theo Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), đối với học sinh lớp 1, giai đoạn đầu giáo viên có thể hướng dẫn phụ huynh để hỗ trợ con em mình, chỉ nên hướng dẫn những gì có thể, không đi theo thời khóa biểu một cách cứng nhắc, bó buộc, sẽ gây áp lực đối với học sinh. Sau khi học sinh đến trường sẽ dạy lại, bổ sung thêm.
“Khó nhất là môn Tập viết, đối với môn này giáo viên phải uốn nắn cho học sinh từng nét chữ. Trước mắt, giáo viên có thể hướng dẫn trên màn hình, phụ huynh và học sinh quan sát và viết theo, sau đó chụp lại gửi cho giáo viên.
Khi được tới trường, giáo viên hướng dẫn lại từ đầu. Cần kiên trì, động viên khích lệ trẻ kịp thời, vì học sinh lớp 1 nếu gây áp lực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Quận đang phối hợp với các đơn vị để có phần mềm mô phỏng tốt nhất. Hiện nay, một số trường đã cho giáo viên sử dụng công cụ trình chiếu trực để phụ huynh và học sinh quan sát rõ hơn nét chữ, thuận tiện cho việc học online.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, Phòng đang yêu cầu các trường lập nhóm zalo của lớp, ghi nhận ý kiến của phụ huynh về điều kiện cơ sở vật chất, thời gian dành cho con… làm căn cứ để có thể lên lịch học, thời khóa biểu phù hợp với tình hình thực tế.
“Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch nhà trường. Hiện giáo viên mới có trong tay danh sách học sinh, lập nhóm zalo để lấy ý kiến phụ huynh, sau đó báo cáo lên nhà trường”, cô Thủy nói.