Học nhiều gây cận thị là quan niệm tưởng chừng vô căn cứ, giờ đây đã được khoa học chứng minh. Trên tờ British Medical Journal, nhóm tác giả từ Đại học Bristol và Đại học Cardiff khẳng định càng gắn bó với trường lớp, đôi mắt con người càng kém đi.
Theo BBC, để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét ADN của 68.000 tình nguyện viên tuổi từ 40 đến 69. Kết quả cho thấy người học hết đại học cận nặng hơn một diop so với người chỉ hoàn thành bậc phổ thông. Trung bình, cứ mỗi năm bạn ngồi trên ghế nhà trường thì đôi mắt yếu đi 0,27 diop.
Trên thực tế, cận thị đang ngày càng trở nên phổ biến. Ước tính đến năm 2050, khoảng 50% dân số thế giới tương đương 5 tỷ người sẽ bị cận thị, trong đó một tỷ trường hợp bị cận thị nặng.
Không chỉ gây khó khăn trong cuộc sống, cận thị dẫn đến hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Nó làm tăng nguy cơ bong võng mạc, bệnh lý hoàng điểm và thậm chí mù lòa.
Lý giải hiện tượng học nhiều gây cận, tiến sĩ Denize Atan, chuyên gia nhãn khoa và thần kinh Đại học Bristol đứng đầu công trình trên cho rằng thói quen nhìn gần khi còn nhỏ làm suy giảm khả năng nhìn xa. Điều này đặc biệt đúng ở các nước châu Á, nơi trẻ em phải làm quá nhiều bài tập ngay từ bậc mầm non. Trung Quốc là ví dụ điển hình với tỷ lệ cận thị ở giới trẻ lên tới 80%. Bên cạnh đó, thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đôi mắt.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta nên học ít. Để bảo vệ "cửa sổ tâm hồn", tiến sĩ Atan khuyến khích học sinh dành thời gian ngoài trời và các nhà giáo dục điều chỉnh lịch học cho hợp lý.