Học lệch - không thể xem nhẹ

GD&TĐ - Phải trở thành “gà nòi” trong các lớp chọn là một trong những nguyên nhân khiến không ít học sinh rơi vào tình trạng học lệch. Đây cũng là mặt trái của việc đào tạo chạy theo thành tích đang xảy ra ở nhiều trường học, nhiều gia đình... 

Học lệch - không thể xem nhẹ

Đặc biệt, tình trạng học lệch trở nên rất phố biến ở các lớp cấp ba do các em thường chỉ đầu tư vào phân ban mà mình dự định thi đại học. Tuy nhiên, việc tích lũy kiến thức ở nhiều lĩnh vực là điều rất quan trọng nếu muốn thành công trong cuộc sống sau này.

Nguyên nhân

Tình trạng học lệch đang diễn ra lâu nay trong nền giáo dục nước nhà như hậu quả tất yếu của sự phát triển kinh tế đất nước. Theo các nhà giáo dục, có rất nhiều hậu quả của việc học lệch giữa các môn tự nhiên và xã hội. Sau này có thể các em sẽ trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, kém tự tin trước đám đông, giao tiếp kém nên có thể sẽ không có cơ hội phát huy những kiến thức của mình.

Nghiêm trọng hơn, học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy. Để khắc phục được tình trạng này, các nhà giáo dục đều cho rằng, chúng ta nên tìm ra nguyên nhân của nó.

Thứ nhất, về mặt khách quan, có cầu ắt có cung. Khi nhu cầu việc làm cho những ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật cao thì mọi người sẽ đương nhiên đổ xô vào những lĩnh vực đó. Còn khi mà học ngành xã hội ra, nhu cầu việc làm ở ngành này không nhiều dẫn đến khó tìm việc hoặc việc làm với thu nhập không cao. Trường hợp làm trái ngành với người học nhóm ngành xã hội là không ít, đó là một sự lãng phí cho cả cá nhân và xã hội.

Thứ hai, về mặt chủ quan, cũng có nhiều bậc phụ huynh vì lo cho công ăn việc làm của con cái sau này nên thích con cái theo các ngành “hot”, có tương lai như Kinh tế, Ngân hàng, Tài chính, Ngoại thương, Ngoại giao, Y - Dược hay những ngành kỹ thuật như Bách khoa, Công nghệ thông tin… và ép con phải học tốt những ngành này. Tâm lý coi nhẹ những ngành nghề “nhiều chữ” mà “không làm ra tiền” hoặc có thì thu nhập thấp đã khiến cho những ngành xã hội trở nên “thất thế”.

Cách khắc phục

Theo các chuyên gia giáo dục, để khắc phục tình trạng học lệch, trước hết cha mẹ kết hợp cùng nhà trường để tìm ra phương án phụ đạo đúng đắn. Phát hiện ra con học yếu ở môn nào, cha mẹ cần tiến hành phụ đạo cho con. Ví dụ con học toán tương đối yếu, cha mẹ nên cùng con làm nhiều hoạt động về toán học hơn, ví dụ chơi trò chơi tính toán, tiến hành một vài suy luận logic. Nếu như bài tập của con không quá nặng, thì có thể suy nghĩ để con tham gia lớp phụ đạo ngoài giờ.

Ðối với những môn mà trẻ học yếu, dù là phụ huynh tự mình phụ đạo hay cho trẻ đi học thêm, thì cũng nhất định phải chú ý tính cơ bản của tri thức và tính thú vị của phương pháp, bởi điều này đảm bảo tiền đề hứng thú và tự tin cho trẻ. Ðã là môn học yếu, thì cần phải bắt đầu học từ tri thức cơ bản nhất, để trẻ dần dần tích lũy, tích lũy đến một trình độ nhất định, thành tích của trẻ sẽ tốt lên, sự tự tin cũng dần dần được xây dựng trở lại. Ngoài ra, đối với học sinh tiểu học, sử dụng phương pháp dạy học thú vị có thể làm tăng hứng thú cho trẻ, thu được hiệu quả tốt.

Một phương án hiệu quả khác là cha mẹ nên chủ động nói chuyện cùng giáo viên, để giáo viên giúp đỡ kích thích hứng thú và nhiệt tình với môn học của trẻ. Ví dụ, khi con học tiểu học, cha mẹ liền tìm cô giáo dạy toán của con để thương lượng, thông qua biện pháp cô giáo “trao tặng phần thưởng” cho con để khích lệ con gái học toán, hiệu quả không tệ. Thông thường thầy cô giáo sẽ tích cực phối hợp với phụ huynh cùng giáo dục trẻ, hơn nữa, học sinh tiểu học tương đối nghe lời thầy cô, cho nên, nhất định phải tận dụng tốt nguồn tài nguyên thầy cô này.

Lưu ý, để tránh học lệch, nhất định phải duy trì vị trí tiên phong của môn học ưu thế. Nói cách khác, tránh việc học lệch cần “lấy sở trường bổ sung cho sở đoản”, đồng thời với việc bù đắp điểm còn thiếu sót, nhất định phải bảo vệ những môn học là môn thế mạnh của trẻ. Tránh vì bổ túc môn toán, mà buông lỏng môn tiếng Anh vốn dĩ đã học giỏi rồi. Có trẻ rất có tài năng nghệ thuật, vốn dĩ có thể đi theo con đường nghệ thuật, nhưng phụ huynh lại vì nâng cao thành tích của các môn văn hóa, khiến trẻ hoàn toàn vứt bỏ sở thích của mình, đây chính là “nhặt hạt vừng mà đánh rơi dưa hấu”.

Cuối cùng, để tránh tình trạng con em mình rơi học lệch, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh nên hướng cho con học tập toàn diện để con có thể phát triển một cách tự nhiên nhất. Tất nhiên cũng có thể chú trọng hơn các môn mà sau này sẽ hướng đến ngành nghề đã dự định. Tuy nhiên vẫn phải dành những thời gian nhất định cho các môn còn lại. Vì học lệch không thể hướng con người đến sự phát triển toàn diện về kỹ năng chuyên môn và thực hành xã hội. Các bậc phụ huynh cũng nên nói cho con biết tâm quan trọng của khối kiến thức và kỹ năng xã hội trong cuộc sống. Bất kỳ một nhà lãnh đạo tài ba nào cũng đều là người am hiểu về xã hội và có kỹ năng diễn thuyết, hùng biện hay và hành văn tốt.

Học lệch không phải là trời định, mà có thể tránh được thông qua việc khai phá toàn diện trí năng cho trẻ. Cha mẹ không nên quá lo lắng, cho dù trẻ xuất hiện hiện tượng học lệch nghiêm trọng, cũng không phải là không có thuốc chữa. Học lệch không hề đáng sợ, nhưng lại không thể coi nhẹ!

Theo Edu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ