Học hè online: Bao nhiêu cho vừa?

GD&TĐ - TS Nguyễn Thị Hằng Phương – giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ với Báo GD&TĐ về xây dựng kế hoạch học, vui chơi online để trẻ có một mùa hè bổ ích.

Phụ huynh hướng dẫn con học khóa tiếng Anh trực tuyến.
Phụ huynh hướng dẫn con học khóa tiếng Anh trực tuyến.

- Dịch Covid-19 khiến hoạt động hè của HS có nhiều thay đổi theo xu hướng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Thậm chí, một số hoạt động cần phải có sự tương tác trực tiếp như học kỹ năng sống cũng được tổ chức online… Bà nghĩ sao về điều này?

- Chúng ta đều thấy, chưa bao giờ thế giới có những chuỗi ngày đặc biệt như hiện nay. Có lẽ không ai tưởng tượng được đến một lúc, vì Covid-19 mà mọi thứ xáo trộn, buộc con người phải đáp ứng, phải thích nghi. Và cũng chưa ai biết đến lúc nào mọi thứ trở về như trước khi có Covid xảy ra.

Thật may mắn khi chúng ta có công nghệ! Nhờ ứng dụng công nghệ mà mọi việc tiếp diễn theo cách mới – tương tác online. Giáo dục nói chung cũng nằm trong xu hướng đó. Ngoài các môn học cơ sở, cơ bản thì các hoạt động cần có tương tác trực tiếp cũng chuyển sang hình thức online như: Thể dục, kỹ năng sống…

Tôi khẳng định, rất may mắn khi chúng ta có giải pháp, nhờ vào công nghệ thông tin, chúng ta vẫn ổn trước đại dịch toàn cầu. Con người vốn đã có khả năng thích ứng rất cao trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Do vậy, khi chúng ta có mục đích, mọi việc sẽ được giải quyết, phương pháp hay hình thức nào chỉ là vấn đề lựa chọn.

Do vậy, tương tác online để đạt mục tiêu giáo dục là phù hợp trong giai đoạn này. Mặc dù có thể chưa ổn như trước đây, nhưng chúng ta sẽ phải thích nghi trong  khi chờ giải pháp khác tối ưu hơn.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương – giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).
TS Nguyễn Thị Hằng Phương – giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). 

- Học thêm, dù online hay trực tiếp cũng là một trong những nội dung của hoạt động sinh hoạt hè của học sinh. Tuy nhiên, có những phụ huynh lạm dụng đến mức trong cả một mùa hè, học sinh chỉ có duy nhất việc đi học thêm. Theo bà, hoạt động hè của trẻ nên tổ chức như thế nào?

- Nhiều nước trên thế giới chia các kỳ nghỉ trong một năm ra thành nhiều đợt, điều này thú vị ở chỗ mọi người được học tập, nghỉ ngơi đan xen. Ở Việt Nam, do nhiều điều kiện, có hẳn “3 tháng hè”, điều này vừa có thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi là trẻ em có thể hoàn thiện một chương trình học tập ngoại khoá nào đó trọn vẹn trong 3 tháng; có thể tham gia đủ một quy trình của hoạt động như các dự án chăm sóc cây hay nuôi con vật ở các trang trại, hoặc về quê (đối với các bạn ở thành phố)…

Thế nhưng khó khăn cũng nhiều. Cha mẹ vẫn đi làm hàng ngày, các con trong thời gian hè – lịch trình sinh hoạt lại thay đổi, có thể thức khuya hơn, ngủ dậy trễ hơn một chút, thời gian ăn uống khác với những ngày các con đi học. Có thể cha mẹ cảm thấy bất an nếu trong suốt thời gian mình đi làm, con ở nhà sẽ sử dụng quỹ thời gian như thế nào cho phù hợp. Cho nên, một trong những giải pháp vừa yên tâm cho phụ huynh, vừa các con được tăng thêm kiến thức, kỹ năng là các con được tham gia các hoạt động hè online.

Chưa có nghiên cứu nên cũng chưa thể nói được cha mẹ “lạm dụng” thời gian hè của con. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rộng hơn, cha mẹ đang lo lắng làm sao cho thời gian hè của con hữu ích nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cần quan tâm đến phản hồi của con sau khi tham dự buổi học, như quay video cảm nhận, thực hành theo; hoặc cho các con chia sẻ trực tiếp…

- Với xu hướng hè online, phụ huynh cần lưu ý những gì, thưa bà?

- Với hè online, để thời gian có ý nghĩa, thoải mái cho trẻ và phụ huynh, các gia đình có thể áp dụng thời gian biểu theo đặc điểm của gia đình, trẻ; thế mạnh; nhu cầu và mức độ sẵn sàng, hào hứng của trẻ.

Ví dụ: Với gia đình cha mẹ đi làm cả ngày, ở nhà có ông bà, trẻ còn nhỏ (bậc tiểu học) có thể nhờ ông bà phụ giúp một vài việc nhỏ và nhắc giờ cho trẻ, liên quan đến giờ ăn ngủ, vệ sinh, học tập. Nhưng với trẻ lớn hơn (từ THCS trở lên), các con có thể chủ động theo lịch trình, tự chăm sóc bản thân trong ăn uống, ngủ nghỉ học tập. Nếu cần, cha mẹ đặt giờ để thăm hỏi, động viên con. Nhiều gia đình lắp camera để quan sát và nhắc nhở con.

Nếu con thích nhảy múa, hát ca, làm MC… bố mẹ hãy cho con học các lớp liên quan đến vận động, giao tiếp. Con thích các hoạt động tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, cây cảnh… cho con học các lớp về thí nghiệm, thực hành trồng cây, tỉa hoa… Con thích hoạt động liên quan đến nghệ thuật vẽ, yoga… thì cho các con tham gia. Trong trường hợp chưa biết rõ con mình mạnh về điều gì, cha mẹ có thể liên hệ với những người làm tâm lý, công tác xã hội để được tư vấn thêm.

Dù bằng hình thức nào, phụ huynh cần quan tâm đến mục đích: Các con được phát huy sở thích, tìm được niềm vui trong môn học, hoạt động chứ không phải để nhồi nhét kiến thức hay do cha mẹ không có thời gian cho con đành giao cho thầy cô trông giúp…

- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.