Học gì từ 5 ngôi trường tiến bộ nhất thế giới?

GD&TĐ - Thế giới hiện đại với sự thay đổi bối cảnh công việc, tự động hóa và công nghệ khiến học sinh, sinh viên cần chuẩn bị cho những nghề nghiệp có khi chưa định dạng, và các trường học buộc phải tăng cường tiếp cận với các đổi mới. Học sinh, sinh viên học hỏi được gì từ những ngôi trường này?

Trường bán đảo Waldorf
Trường bán đảo Waldorf

Hệ thống Trường Carpe Diem ở Ohio (Mỹ)

Hệ thống Trường Carpe Diem trông giống như các văn phòng mở với các hình khối hơn là những lớp học truyền thống. Hệ thống trường học công hoàn toàn miễn phí này dùng một mô hình học tập hài hòa cho cả học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, nghĩa là học tập dựa trên dự án đi đôi với việc học bằng máy tính.

Thay vì tách thành các lớp khác nhau dựa trên khả năng của từng học sinh, các học sinh sẽ gặp nhau theo trình độ cá nhân của họ. Mỗi học sinh học trong không gian riêng bằng máy tính trong một lớp học mở. Điều này có nghĩa các em có thể tự tăng tốc hay chậm lại việc học mà không lo bị lưu ban, tùy tiếp thu từng lúc của mình. Ngoài chương trình giảng dạy dựa trên phần mềm, học sinh cũng làm việc thông qua các dự án nhóm với các học sinh khác hay giáo viên khác trong một lớp học mang tính truyền thống hơn.

Phần lớn học sinh học tập dựa trên nghiên cứu, các em được khuyến khích tìm ra những sai lầm và chỉnh sửa chúng tốt hơn mỗi ngày. Học sinh ở Carpe Diem có cơ hội làm việc trực tiếp với các trường đại học, các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp để cùng giải quyết những vấn đề nan giải thực tế. Được thiết kế theo đường lối học tập hiện đại, học sinh trong hệ thống Trường Carpe Diem hoàn toàn tự tin khi tiếp cận thường xuyên với các công nghệ mới nhất. Theo đó mức độ thành thạo dùng công nghệ của học sinh tại Trường Carpe Diem ở Arizona là 92% so với tỷ lệ 62% ở các trường khác trong tiểu bang.

 

Trường Steve Jobs ở Amsterdam (Hà Lan)

Trường Steve Jobs nhắm mục tiêu trở thành mô hình trường học mới cho thời đại mới. Trường khuyến khích học sinh tìm thấy niềm đam mê của mình thông qua học tập và khám phá. Được thành lập ở Amsterdam, trường mở ra các chi nhánh trên khắp Hà Lan, Bỉ và có thêm một trường ở Nam Phi. Trong hệ thống Trường Steve Jobs, mọi hoạt động đều theo cơ chế tự tìm hiểu, mỗi học sinh đều nhận được một máy iPad có tải sẵn các ứng dụng giáo dục và các trò chơi trí tuệ. Trong khi cha mẹ đóng vai trò hướng đạo con em, học sinh được tự do chọn môn mà các em muốn học và chọn thời điểm học. Nhưng không hẳn học tập đơn thuần dựa trên máy tính. Các kỹ năng xã hội cũng giúp học sinh tăng thêm kiến thức và trải nghiệm bổ ích thông qua các dự án hợp tác với những học sinh khác.

Trong số 10 lời hứa mà hệ thống Trường Steve Jobs trao cho các học sinh - và được hiển thị hầu như mỗi ngày, thì đáng chú ý nhất là lời hứa có nội dung “Thầy cô hứa sẽ trao cho các em nhiều kỹ thuật mới nhất để chuẩn bị hành trang cho các em vào đời”. Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất từ mô hình hệ thống Trường Steve Jobs là có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Theo đó, cứ mỗi 6 tuần, các phụ huynh và huấn luyện viên (trường Steve Jobs không gọi người giảng dạy là giáo viên mà là huấn luyện viên) gặp nhau để kiểm tra tiến độ học tập của con em và cập nhật kế hoạch học tập của từng học sinh. Quan trọng nhất là phụ huynh sử dụng một ứng dụng cá nhân trên iPad để theo dõi việc học hành của con em trong mọi khoảng thời gian, nó cung cấp chi tiết hơn bất kỳ báo cáo hay các buổi họp phụ huynh nào.

 

Trường mầm non Egalia ở Stockholm (Thụy Điển)

Trường học đa giới tính đã trở thành một thứ chuẩn mực tại nhiều quốc gia phương Tây trong các thập kỷ qua, tuy nhiên Trường Mầm non Egalia ở thủ đô Stockholm đã mở rộng khái niệm lên một tầm cao mới. Hệ thống trường học mang tính cách mạng này dựa trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tránh bất kỳ loại phân biệt đối xử nào bao gồm tuổi tác, kỹ năng, lớp học, chủng tộc, khuyết tật và giới tính. Những cái tên chỉ đích danh cụ thể giới tính đều bị tránh đề cập. Thay vì nói “nữ” hay “nam” hoặc “anh ấy”, “cô ấy” thì các thầy cô ở Trường Egalia sẽ sử dụng một nhóm tên hay tên của các bé. Khi đọc sách hay kể chuyện, các thầy cô thường thay đổi vai trò, chẳng hạn như để các công chúa cứu hoàng tử (nội dung gốc là hoàng tử cứu công chúa) hoặc sử dụng các nhân vật trung lập về giới tính.

Mục đích của hệ thống giáo dục này là dạy cho trẻ em cách đánh giá lẫn nhau thông qua hành động và cá nhân thay vì khư khư nhằm vào vai trò giới tính được hình thành từ trước. Cô hiệu trưởng Trường Egalia-Lotta Rajalin phát biểu: “Điều quan trọng ở Trường Egalia là trẻ em được học về dân chủ căn bản cả trong lý thuyết và thực tiễn nhằm trở thành các công dân thế giới lành mạnh, những người không ghét bỏ, kỳ thị người khác. Tự tin là nền tảng tốt cho việc học hỏi và phát triển”.

 

Trường Sinh thái ở Bali (Indonesia)

Hãy tưởng tượng một ngôi trường không có tường vách bao quanh, nằm giữa rừng và đồng lúa, được dựng hoàn toàn bằng tre và hoạt động bằng điện mặt trời. Trường Sinh thái ở đảo Bali có sứ mạng giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận toàn diện. Hai vợ chồng kiều dân Mỹ là John và Cynthia Hardy sống ở đảo Bali đã quyết định bán công ty kim hoàn của họ để gây dựng ngôi trường sinh thái này nhằm dạy cho học sinh về cách sống hài hòa.

Kể từ năm 2008, Trường Sinh thái đã đón nhận 400 học sinh từ bậc mẫu giáo lên trung học cơ sở, trường còn tổ chức cả học nội trú. Bên cạnh các môn học truyền thống như toán và ngoại ngữ, trường còn mở các lớp học thiết thực như nấu ăn, làm vườn và thậm chí cả môn vật võ bùn truyền thống của người Bali. Cũng đa dạng như học sinh, các giáo viên từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ ở Trường Sinh thái.

 

Trường Sinh thái không chỉ đơn thuần là nơi để học mà nó còn biến thành một cộng đồng. Ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh đã dựng nhà xung quanh trường tạo thành một không gian xanh thuần khiết, vận dụng từ chính các bài học mà con em họ đã học từ trường. Bất chấp mức học phí khá cao từ 7.000 USD đến 16.000 USD mỗi năm, Trường Sinh thái vẫn đóng vai trò là hình mẫu học tập cho Bali và thế giới, nơi cho ra lò một thế hệ lãnh đạo toàn cầu xanh.

Khái niệm học thuật ở đây dựa trên 3 nguyên tắc căn bản: hãy cứ là người địa phương, hãy để môi trường tương tác và hãy nghĩ đến con cháu chúng ta. Sau khi viếng thăm Trường Sinh thái Bali vào năm 2015, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-Moon đã ca ngợi đây là “ngôi trường độc đáo và ấn tượng nhất” mà ông thấy.

Trường bán đảo Waldorf ở California (Mỹ)

Dù nằm ngay giữa trung tâm của Thung lũng Silicon nhưng Trường Waldorf lại là học xá ứng dụng công nghệ thấp nhất. Các nhân viên tại Apple, eBay, Google và Yahoo đã gửi con em của họ theo học tại ngôi trường không hề có màn hình, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Trường Waldorf có phương châm chính là “phục hưng giáo dục”. Quan điểm mà nhiều người muốn con em họ học ở đây là không bị phân tâm bởi truyền thông hiện đại, có một không gian tinh thần cho sự sáng tạo và đổi mới theo đúng ý muốn của các dự án khởi nghiệp.

Trường Waldorf sử dụng thuần giáo viên con người, quan tâm đến lớp học, đến mỗi học sinh. Tất cả các môn học đều được dạy bằng sự sáng tạo, nghệ thuật, trò chơi, dự án và khám phá. Học ngoại ngữ qua các trò chơi và kịch nghệ đóng vai trò trung tâm. Nhưng giáo viên lẫn phụ huynh đều không lo học sinh bị tụt hậu về công nghệ. Bà Beverly Amico, lãnh đạo của Trường Waldorf giải thích: “Các công nghệ ngày càng hướng tới sự đơn giản và dễ sử dụng hơn, do đó đừng quá lo lắng, học sinh sẽ nhanh chóng bắt kịp”.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ