Được miễn học phí: Người học vẫn ngoảnh mặt với trung cấp nghề

GD&TĐ - Để tăng sức hút với thí sinh, nhiều trường nghề đã phải thường xuyên làm mới chương trình đào tạo, đổi tên ngành và mở rộng biên độ xét tuyển, thậm chí miễn giảm 100% học phí để hút thí sinh.

Học sinh học nghề sửa chữa ô tô ở Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM.
Học sinh học nghề sửa chữa ô tô ở Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM.

Tuy nhiên, kết quả nhận lại của các trường vẫn là bài toán thiếu hụt người học. Nguyên nhân vì sao? 

Tung nhiều chính sách ưu đãi vẫn thiếu người học

Chuyện các trường TCCN, CĐ nghề đối mặt bài toán khó khăn trong mỗi mùa tuyển sinh không phải là mới. Nhiều giải pháp nhằm gia tăng sức hút như đầu tư cơ sở vật chất, cam kết đầu ra việc làm, các chính sách hỗ trợ đi kèm được các trường và bộ, ngành đưa ra hàng năm, nhưng kết quả tuyển sinh vẫn khiến nhiều đơn vị lắc đầu ngao ngán.

Để tăng sức hút và tạo nguồn lực lao động một cách bền vững cho thị trường, từ năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 cho học sinh trường nghề.

Đến năm học 2020 – 2021 chính sách trên tiếp tục được thay đổi với việc quy định đối tượng được miễn học phí gồm: “Người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp”. Theo đó, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS có nguyện vọng theo học bậc trung cấp nghề sẽ được miễn giảm học phí 100%.

Chính sách đãi ngộ và thu hút rất lớn, nhưng theo ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, số lượng học sinh theo nhánh phân luồng và đăng ký nhập học vẫn rất ít ỏi. Số lượng tuyển sinh của trường 2 năm nay ngày một sụt giảm, dù hàng loạt các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ dành cho người học nghề được tung ra.

“Có một thực tế là hiện công tác tuyển sinh hệ trung cấp nghề đối diện rất nhiều khó khăn và thách thức. Khó khăn ấy không đến từ việc các trường thiếu sự đầu tư hay thay đổi, mà nó đến từ chính tư duy trọng bằng cấp của học sinh và phụ huynh. Dù công tác hướng nghiệp được các trường THPT và các đơn vị thực hiện thường xuyên nhưng sức hút trường nghề với học sinh vẫn rất thấp. Năm học vừa qua, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS rẽ hướng theo học nghề tại trường chỉ xấp xỉ 130 em dù học phí được miễn hoàn toàn”, ThS Đức cho biết.

Để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, hút người học, ngoài các chính sách học bổng, cam kết đầu ra việc làm thì năm học vừa qua chính sách miễn học phí 100%, cấp bù học bổng được các trường trung cấp nghề đặc biệt đẩy mạnh.

ThS Phan Văn Thanh Cần - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM - cho biết, thực tế với nhiều chính sách hỗ trợ hiện nay, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nhiều hướng đi. Với những em có năng lực học tập, trúng nguyện vọng có thể chọn học tiếp THPT. Tuy nhiên, những em không đủ năng lực, sức học yếu, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép có thể học trung cấp để trang bị cho mình một nghề nghiệp cho tương lai.

“Việc học trung cấp không chỉ giúp các em giảm áp lực học tập, tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn sớm bước vào thị trường lao động với nhiều cơ hội việc làm, mức lương hấp dẫn. Hiện, học sinh học trung cấp nghề sau tốt nghiệp THCS được miễn giảm học phí hoàn toàn”, ThS Cần nói. 

Làm sao thoát bài toán loay hoay kiếm người học?

Năm học 2020 - 2021, theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống trường nghề trong cả nước tuyển sinh được 1,95 triệu người học, đạt 85,14% kế hoạch. Trong số đó, 1,65 triệu người tốt nghiệp, thiếu 20% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Thực tế, từ năm học 2019 - 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, tỉ lệ tuyển sinh của các trường nghề có dấu hiệu chững lại và sụt giảm, dù chính sách phân luồng học sinh sau THCS, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các địa phương đặc biệt đẩy mạnh.

Năm học 2020 - 2021, hàng loạt các trường trung cấp nghề, TCCN tại TPHCM thiếu hụt nguồn tuyển khi chỉ tuyển được 40 - 50% tổng chỉ tiêu, cá biệt có trường chỉ tuyển được hơn 90 học sinh cho hệ trung cấp nghề chính quy.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến trường nghề không tuyển đủ người học xuất phát từ bối cảnh dịch. Việc đào tạo phải chuyển sang hình thức trực tuyến, gây khó khăn trong thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh không đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, việc đi lại của người học đến các địa phương còn khó khăn, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

ThS Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM - cho rằng, cái khó trong tuyển sinh trung cấp nghề hiện nay đến từ việc người học không thích học nghề khi cánh cổng vào CĐ, ĐH ngày càng dễ. Học sinh theo học nghề hiện nay, chủ yếu đến từ nhóm đối tượng phân luồng (sau THCS và học sinh hệ GDTX), còn với học sinh tốt nghiệp THPT là rất ít.

“Nhiều học sinh có tâm lý vẫn coi học nghề là điều gì đó không phù hợp với tuổi trẻ. Chúng tôi nhận thấy nhiều em học nghề bậc trung cấp năm thứ nhất còn có tâm lý chán nản, dễ thôi học. Nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp để giải tỏa tâm lý, thu hút học sinh. Tuy nhiên, không thể chối bỏ sự thật là tỉ lệ học sinh rẽ hướng học nghề ngày một bị sụt giảm dù nhiều trường thực hiện chính sách hỗ trợ học phí rất tốt”, ThS Sáng chia sẻ.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt ra mục tiêu tuyển sinh năm 2022 là tuyển 2,15 triệu học viên (tăng 10% so với mức 1,95 của năm ngoái), nâng số người tốt nghiệp lên 2,24 triệu (tăng 600.000 người so với năm 2021). Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục lên phương án gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan liên quan, hình thành hệ sinh thái tư vấn, hướng nghiệp và vị trí thực tập cho người học. Với các trường học, Tổng cục khuyến khích việc thực hiện mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng, thỏa thuận hợp tác đào tạo và chuyển giao nhân lực cho doanh nghiệp theo vị trí việc làm… để tăng thêm sức hút với người học.

TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM - cho rằng, việc thiếu nguồn tuyển thường xuyên có thể dẫn tới nhiều tác động về lâu dài cho đơn vị, đặc biệt với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân, khi họ phải tự cân đối tất cả các khoản chi tiêu hằng năm như tiền mặt bằng, cơ sở vật chất, lương giáo viên...

“Nguồn thu phần lớn đến từ học phí của học sinh, sinh viên. Việc thiếu hụt nguồn tuyển chắc chắn tác động đến hàng loạt đầu mục công việc, đầu tư của nhà trường theo kế hoạch năm. Vì phải giảm chi, cắt giảm tối đa chi phí vận hành, tái đầu tư… nhằm cắt lỗ. Từ đó, dẫn tới chất lượng các trường nghề đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng, sức hút với hệ đào tạo nghề ngày một yếu đi trong mắt học sinh”, TS Lê Lâm phân tích.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ