Học điều hay từ ngày Tết

GD&TĐ - Gói bánh chưng, viết thư pháp, trò chơi dân gian, bày mâm ngũ quả, cỗ Tết… được các trường tổ chức để GD về truyền thống văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường Tiểu học Đền Lừ vui đón Tết. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Đền Lừ vui đón Tết. Ảnh: TG

Trân quý giá trị truyền thống

Trong những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, Liên đội Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, thực hành kỹ năng sống cho học sinh. Không chỉ mang không khí tưng bừng của ngày Tết tới mỗi học sinh, qua đó giúp các em hiểu hơn phong tục, truyền thống.

Cũng dịp này, các em được tham gia nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa ngày Tết cổ truyền của dân tộc như: Xem viết thư pháp, học nặn tò he; cùng cô giáo và phụ huynh trang trí lớp học, bài trí gian hàng và trải nghiệm mua sắm, trao đổi hàng hóa. Trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, học sinh được thầy cô dạy bài học về các nghi lễ ngày Tết, cách gói bánh chưng và tâm trạng háo hức ngồi canh lửa, chờ bánh chín.

Nguyễn Hồng Hạnh - học sinh Trường Tiểu học Đền Lừ chia sẻ: Trải nghiệm không khí ngày Tết cổ truyền ngay tại trường học thật sự lý thú, bổ ích. Học sinh được thỏa sức sáng tạo, thể hiện mình qua sự khéo léo, tinh thần giao lưu học hỏi và chia sẻ yêu thương, kết nối bạn bè...

Cô giáo Trường Mẫu giáo Mầm non A hướng dẫn học sinh gói bánh chưng. Ảnh: TG

Cô giáo Trường Mẫu giáo Mầm non A hướng dẫn học sinh gói bánh chưng. Ảnh: TG

Không khí hân hoan đón chào năm mới cũng tràn ngập trong các lớp học Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày giáp Tết. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để tìm hiểu ý nghĩa ngày Tết và những phong tục của dân tộc.

Ngày Tết cổ truyền được tái hiện qua không gian phiên chợ Tết xưa, tục thờ cúng tổ tiên và tiễn ông Công ông Táo chầu trời, tục trồng cây nêu, gói bánh chưng, viết câu đối Tết, chơi hoa đào, chúc Tết mừng tuổi đầu Xuân… đã thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Cũng trong các giờ học, học sinh được xem phim tư liệu về chủ đề “Nét đẹp ngày Xuân ở Thủ đô Hà Nội” qua trang phục truyền thống làm thắm lên nét đẹp thanh lịch của người dân đất Thăng Long ngàn năm văn hiến vào mỗi độ Tết đến Xuân về; hình ảnh chợ hoa Xuân ngày Tết ở Thủ đô như: Chợ hoa Quảng An, Nhật Tân, phố cổ Hàng Lược.

Nguyễn An Chi - học sinh lớp 9H chia sẻ: Giờ sinh hoạt lớp với chủ đề “Ý nghĩa ngày Tết Nguyên đán” không chỉ giúp em hiểu thêm về Tết cổ truyền, mà thú vị hơn, chúng em được trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa về ngày Xuân. Những điều trên sẽ đọng lại trong ký ức của tuổi thơ, để từ đó thêm yêu, tự hào về truyền thống dân tộc.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương thích thú tìm hiểu câu đối Tết. Ảnh: TG

Học sinh Trường THCS Trưng Vương thích thú tìm hiểu câu đối Tết. Ảnh: TG

Mang Tết vào trường học

Tại Trường Mẫu giáo Mầm non A (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hòa chung không khí đón Xuân Giáp Thìn, trẻ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, múa sạp... Ai cũng hào hứng khi được tìm hiểu và chơi trò chơi dân gian trong ngày Tết cùng cô giáo và các bạn.

Bên cạnh trải nghiệm về cách gói, bóc bánh chưng, các em còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như múa sạp, bịt mắt đánh trống, ném còn, kéo co, đi cà kheo... Những kiến thức và kỹ năng đã để lại nhiều ấn tượng giúp các em hiểu rõ hơn nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam và biết cách ứng dụng vào cuộc sống.

Cô Trần Thị Mây - Trường Mẫu giáo Mầm non A chia sẻ: Trải nghiệm “Bé vui đón Tết” được nhà trường tổ chức hằng năm là hoạt động thiết thực, giúp trẻ hiểu, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Đồng thời tạo sân chơi cho các bé được giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống, từ đó mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.

Không khí đón Tết cũng rộn ràng tại Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) với Lễ hội bánh chưng và Hội chợ Tết năm 2024 thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh. Với sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, học sinh được trực tiếp tham gia vào các công đoạn gói bánh chưng. Cùng đó, các em hòa mình vào trò chơi dân gian đậm nét truyền thống như nặn tò he, viết câu đối...

Cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên chia sẻ: Trải nghiệm không khí ngày Tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động ý nghĩa. Học sinh được thỏa sức sáng tạo, thể hiện mình qua sự khéo léo, tinh thần giao lưu học hỏi và chia sẻ yêu thương, kết nối bạn bè. Ngoài tham gia hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm, hoạt động này có ý nghĩa giáo dục học sinh việc giữ gìn và trân quý giá trị truyền thống; giúp thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, sống có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, những năm học gần đây, vào dịp cuối năm (âm lịch), nhiều trường học từ mầm non đến THPT đã tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình, hoạt động trải nghiệm Tết Việt.

Đối với cấp học mầm non, tiểu học, trẻ tham gia phiên chợ quê, nhận biết nguyên liệu làm bánh chưng, học câu chúc Tết ông bà, cha mẹ. Đối với cấp THCS và THPT, học sinh được trải nghiệm thi gói bánh chưng, viết thư pháp, tham gia trò chơi dân gian… Một số trường còn tổ chức thi bày mâm ngũ quả, trình diễn trang phục dân tộc, gây quỹ dành tặng những phần quà đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Hoạt động trải nghiệm về Tết nhằm giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, giúp các em có thêm trải nghiệm, hiểu ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Qua đó khắc sâu giá trị văn hóa, phong tục, tập quán nhân dân ta trong ngày Tết, giúp các em có suy nghĩ, cách làm, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ