Học Địa lý với dự án nhà máy phong điện

GD&TĐ - Chuyên đề bộ môn Địa lý với bài giảng Sự phân bố khí áp - một số loại gió chính - dự án xây dựng nhà máy phong điện tại Việt Nam được tổ chức tại Trường THPT Phước Long, Q.9, TPHCM là một tiết học sôi nổi và hiệu quả.

Thuyết trình qua máy chiếu
Thuyết trình qua máy chiếu

Khi người học làm chủ bục giảng

Cùng với nội dung chính về “Sự phân bố khí áp - các loại gió chính”, cô Phạm Ngọc Thùy Văn - GV môn địa lý Trường THPT Phước Long đã giúp HS phác thảo nên một Dự án xây dựng nhà máy phong điện ở Việt Nam trong tiết học 45 phút. Mở đầu bài học, thay cho lời dẫn truyền thống, GV đã mở ra một khung cảnh vùng biển lộng gió trên màn hình trình chiếu với những câu thơ của nhà thơ nữ Xuân Quỳnh làm nền: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?/ Em cũng không biết nữa...”. Đây chính là cánh cửa văn học đầu tiên mở ra đưa các em bước vào tiết học Địa lý bằng con đường tích hợp khéo léo.

Như được châm ngòi, HS bắt đầu hào hứng với từng nội dung tưởng như rất khô khan trong mấy trang SGK của bộ môn Địa. Không phải chờ đợi lâu, GV đã vận dụng ngay phương pháp hỏi - đáp để phát huy tính tích cực của người học. Vì thế những tri thức trong SGK nhanh chóng biến thành tài sản cho từng học sinh ngay trong lớp học.

Những yêu cầu về trả lời câu hỏi, đứng lên đọc nội dung các phần trọng tâm trong SGK đã bắt từng em động não, cặp mắt, đôi tai các em chú tâm vào bài học. Đồng hành với kênh chữ là kênh hình sống động trên máy chiếu để các em định nghĩa đúng về khí áp và tìm ra 3 nguyên nhân của sự thay đổi khí áp. Cũng thông qua một số hình vẽ trong SGK, HS đã tìm ra được sự phân bố 7 đại khí áp trên Trái đất. Phương pháp trực quan sinh động đã giúp HS lĩnh hội được những nội dung tưởng như khó nhớ từ SGK.

Ở phần nội dung “Một số loại gió chính”, 4 nhóm trong lớp được phân công sẵn đã bắt đầu phát huy tác dụng. Do được yêu cầu chuẩn bị từ trước nên phần trình bày của các HS đại diện cho các nhóm tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ và súc tích. Nhường bục giảng cho HS, GV tạm thời lui xuống “hậu trường” để tạo một không gian đối thoại giữa người học và người học.

Một mũi tên bắn trúng hai đích, các em vừa nắm nội dung để ngày mai lên bảng trình bày lại vừa “nhập tâm” kiến thức mới mà SGK chính là người thầy dẫn lối mở đường từ hôm trước. Bốn bài thuyết trình của 4 nhóm đã khái quát được tính chất, nguyên nhân các loại gió Tây ôn đới, gió Mậu dịch, gió mùa, gió địa phương. Chỉ trong mấy phút làm GV, các em đã tự mình rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, có tác phong trình bày một vấn đề khoa học mang tính hàn lâm.

Sôi nổi nhất là nội dung cuối của bài học. Để có một bản đồ tư duy về dự án, các nhóm đã dựa vào bản đồ, lược đồ, Atlát để lên một dự án vừa có tính thuyết phục vừa có tính khả thi. Nhờ làm chủ bục giảng, các “GV tạm thời” đã được làm chủ kiến thức từ bước làm quen bài học mới.

Làm việc nhóm

Làm việc nhóm

Mở cái nhìn dự phóng cho tương lai

Một cây làm chẳng nên non, từng ý kiến tranh luận được đưa ra từ nhiều cá nhân đã hợp thành sức mạnh trí tuệ để hoàn thành một dự án mà các em phải vào vai những kỹ sư điện thực thụ. Mỗi người một vẻ, dự án phong điện Bác Ái (Ninh Thuận), Bắc Bình (Bình Thuận), Diên Khánh (Khánh Hòa) Kon Tum đưa ra với các thuận lợi và khó khăn mà các nhóm tiên liệu được trước.

Trong lúc các dự án khác chỉ có một kỹ sư tương lai trình bày thì ấn tượng nhất là bài thuyết minh cặp của dự án nhóm 4. Nhờ biết tung hứng trên bục giảng, 2 HS này đã biết thu hút người nghe không phải bằng số liệu mà bằng các dẫn chứng hấp dẫn và sinh động. Cũng từ các dự án nằm trên giấy này mà các kỹ sư tương lai đã định hướng được ước mơ của mình trên con đường khởi nghiệp ở phía trước nếu có đam mê.

Chỉ trong một tiết học, GV đã đưa HS đi từ chỗ “tay trắng” của bài học mới đến với việc làm quen sử dụng trang thông tin để tìm hiểu kiến thức liên quan đến bài học, nhận thức đúng đắn về các hiện tượng tự nhiên và quy luật tự nhiên. Đặc biệt qua phân tích lực đồ, bản đồ, hình vẽ, người học biết vận dụng kiến thức đưa ra các giải pháp thực tiễn để xây dựng và phát triển nhà máy phong điện ở Việt Nam. Ngoài sử dụng phương tiện trực quan và công nghệ thông tin, ưu thế của giờ học là biết phát huy tính tích cực chủ động của HS thông qua câu hỏi phát vấn, thuyết trình trên lớp từ khâu chuẩn bị bài trước ở nhà và nhất là chia nhóm vẽ bản đồ tư duy để trình bày các dự án.

Tiết học càng sinh động và giúp các em có một góc nhìn khác thông qua sự tiếp cận mới, đó là phần nói chuyện và đánh giá của khách mời đặc biệt - TS Đỗ Hữu Quyết đến từ Trung tâm công nghệ mới Q.9, với các hoạt động của từng nhóm trong vai trò là các chủ dự án nhà máy điện gió trong tương lai. “Những dự án các nhóm đưa ra thật sự sinh động và hấp dẫn ngoài sự tưởng tượng của người nghe. Điều mang lại thành công cho các phần thuyết trình là các em đã biết chuẩn bị bài trước.

Dù đây là bài học khó với số liệu khô khan nhưng bằng phương pháp GD stem, tích hợp, cả thầy và trò đã khiến giờ học trở nên trôi chảy. Những dự án dù mới được phác thảo nhưng sẽ tạo nhiều cơ hội cho tương lai với tính khả thi trong thực tiễn cuộc sống. Đó là một kế hoạch xây dựng dự án trên biển, giữa đại dương khi biết dựa vào đặc tính của dòng hải lưu, sức gió, nhiều kiến thức liên quan đến vật lý học sau này” - TS Đỗ Hữu Quyết khẳng định.

Theo TS Quyết, con số tính toán đối với HS trong bài học này chưa quan trọng mà cần thiết hơn là phương pháp giải, cách thuyết trình, chọn đặc điểm (dù có thể đúng sai) và vấn đề lớn hơn là phù hợp với mỗi hoàn cảnh và điều kiện từng dự án. Cuối bài học là một kết thúc mở khi cô giáo Thùy Văn đưa ra clip đề cập bước tiến mới trong việc xây dựng nhà máy điện gió ở Việt Nam. Đó là hình ảnh tuốc-bin gió không cánh với ưu thế giảm diện tích êm ái được ví là những chiếc gậy tạo dựng điện từ gió. Bài học của ngày mai lại bắt đầu hiện ra trong sự hào hứng của 40 HS lớp 10A3 Trường THPT Phước Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ