Trong cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) nhận định: Yêu thương con không đúng cách để lại hậu quả không chỉ ngày một ngày hai mà còn làm hỏng cả một thế hệ tương lai.
- Theo bà, có phải do nhiều gia đình ngày càng ít con, dẫn đến sự nuông chiều quá mức và đứa trẻ trở lên ngày càng ích kỷ hay không?
Không phải cứ gia đình ít con là đứa trẻ ích kỷ mà từ cách cư xử của bố mẹ khiến đứa trẻ ích kỷ. Ít con chỉ là điều kiện sống bên ngoài chứ không phải là nguyên nhân.
Đứa con càng được chiều thì càng ích kỷ, ỷ lại, không biết thương bố mẹ, không biết tự tay làm việc nhà cho chính nó, không biết giúp bố mẹ trong sinh hoạt gia đình, không biết khó khăn của bố mẹ.
Tất cả những điều đó là do cách cư xử của cha mẹ, cách dạy con của cha mẹ, vì có những gia đình nhiều con, con vẫn ích kỷ trong khi có gia đình chỉ có một con nhưng đứa con đó lại rất trưởng thành, biết yêu thương, chia sẻ, chăm sóc người khác.
- Báo chí cũng từng nhắc đến một thần đồng học rất giỏi của Trung Quốc nhưng không biết làm bất cứ việc gì, thậm chí không cả biết tự mặc quần áo. Mặc dù đây không phải là trường hợp phổ biến nhưng có lẽ cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Lỗi của đứa con chỉ là một phần rất rất nhỏ. Lỗi chính là của bố mẹ, do bố mẹ yêu thương con không đúng cách, không tập cho con tự lập.
Thực ra yêu thương đứa trẻ là để cho đứa trẻ đứng vững trên đôi chân của mình, nhưng nhiều cha mẹ nghĩ rằng làm thay cho con là yêu con, tạo điều kiện tốt nhất cho con, con không phải động tay làm việc gì, chỉ ăn học thôi để có bảng điểm sáng ngời, thành công trong công việc là yêu con.
Họ quên mất rằng, con cũng có một đời sống bình thường như mọi người, con phải biết phục vụ chính mình và biết phục vụ mọi người xung quanh, sau này con còn có gia đình riêng của mình. Nếu đứa trẻ không biết hội nhập vào đời sống xã hội rộng lớn thì có thành đạt về chức quyền, về năng lực thì cũng không phải là đã có hạnh phúc trọn vẹn khi không có các mối tương quan xung quanh.
- Nhiều gia đình cho rằng cứ yêu thương, bao bọc con, cho con học các lớp kỹ năng sống là đủ để con bước vào đời?
Tôi rất phản đối việc nhiều cha mẹ quá lệ thuộc vào các lớp kỹ năng sống và bắt con học. Các lớp kỹ năng sống đó chẳng qua là điều kiện để con ra ngoài giao lưu, học hỏi, thay đổi môi trường, có cơ hội để rèn luyện thêm một chút nhưng nếu cha mẹ nghĩ rằng con đi học kỹ năng sống là đủ thì hoàn toàn sai lầm.
Kỹ năng sống là quá trình hình thành từ khi con còn ẵm ngửa trên tay cha mẹ cho đến khi con trưởng thành.
Đó là một quá trình nhiều năm sống cùng cha mẹ, quan sát cha mẹ, làm theo cha mẹ thì con mới hình thành kỹ năng sống, chứ làm sao chỉ đi học một tuần, một tháng mà có kỹ năng sống cả đời được.
Đúng là qua những lớp đó, trẻ được học thêm, biết thêm một vài điều nhưng không có nghĩa toàn bộ kỹ năng sống của con chỉ từ những lớp đó là có, là đủ. Kỹ năng sống đứa trẻ không cần học từ đâu, học từ chính gia đình, cha mẹ của mình. Gia đình chính là trường học dạy kỹ năng sống tốt nhất. Cha mẹ chính là người thầy dạy kỹ năng sống cho con tốt nhất.
- Có những đứa con ra ngoài rất năng động nhưng về nhà hoàn toàn không quan tâm đến cha mẹ, ông bà mình. Thực trạng này có nhiều không, thưa bà?
Theo quan sát của tôi từ phòng tham vấn, số trẻ ích kỷ hiện nay đang tăng. Rất nhiều cha mẹ than phiền là con ích kỷ, con không biết làm gì cả, lớn rồi vẫn phải để cho bố mẹ lo từng ly từng tí. Những lời than phiền đó ngày càng gia tăng và họ bất lực, không biết phải làm thế nào.
Chúng ta biết rằng dạy trẻ phải dạy từ thuở còn thơ, chứ đến khi chúng lớn, đã hình thành thói quen, tính cách thì không thể dạy nổi, uốn rất khó. Để khắc phục điều này, những người cha người mẹ đó phải kiên nhẫn thay đổi, thay đổi từ chính bản thân họ. Chính họ phải học lại cách yêu thương con.
Những đứa con ích kỷ vì bố mẹ bao bọc quá, họ phải để cho con họ va vấp thì mới trưởng thành. Họ phải rút dần khỏi vai trò bao bọc con cái, bắt đầu bớt phục vụ con đi.
Ví dụ như con lớn rồi có thể tự nấu ăn được thì phải sẵn sàng để cho con làm, đừng lo con bị đói, nó đói nó phải tự tìm cách, không phục vụ sẵn cho nó nữa. Phòng ngủ của nó thì để nó tự dọn, bẩn tự chịu nhưng nhiều cha mẹ ngoài miệng thì la con, con không dọn thì lại tự vào làm hoặc thuê người giúp việc làm.
Bản thân cha mẹ phải lùi lại chứ không thể chỉ nói miệng để bắt con thay đổi, phải chấp nhận đứa trẻ bê bối một thời gian. Một quả lắc trước khi dừng lại phải dao động qua lại một lúc, đứa trẻ cũng thế, cần phải có thời gian.
Nhưng cũng xin lưu ý là bắt một đứa trẻ thay đổi khi đã lớn là rất khó, vô cùng khó, trừ khi bản thân đứa trẻ, vì tác động xã hội mà tự thân chúng muốn thay đổi.
- Xin cảm ơn bà!