Vì muốn con có cuộc sống thoải mái, vui vẻ nên nhiều cha mẹ sẵn lòng đáp ứng và chiều theo mọi sở thích của con. Điều này vô tình khiến con trở nên ngang ngược và thích đòi hỏi.
Theo các nhà Tâm lý học, biểu hiện của một đứa trẻ hư không chỉ ở sự không vâng lời, bỏ nhà ra đi, thích chơi hơn học mà còn thể hiện ở từng hành vi nhỏ nhặt mà đôi khi cha mẹ không để ý. Đó có thể là việc không nói lời cảm ơn với cha mẹ, lười làm việc nhà, hay nổi giận vô cớ...
Dưới đây chính là 8 biểu hiện cụ thể bố mẹ cần lưu ý:
1. Con tỏ ra lịch sự với người khác nhưng lại không bao giờ biết nói lời cảm ơn với cha mẹ
Con không biết nói lời cảm ơn với bố mẹ.
Khi được ai đó giúp đỡ, con luôn lịch sự cảm ơn. Nhưng với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, con lại quên mất điều này. Theo các nhà tâm lý, đây là biểu hiện của một đứa trẻ hư.
Dù con không cố ý nhưng bố mẹ vẫn cần uốn nắn hành vi này. Vì nếu để lâu dài, con sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với những người thân quen khác như vợ hoặc chồng. Con cần hiểu rằng, càng là người gần gũi, thân yêu thì càng phải biết ơn và trân trọng.
2. Con lười làm việc nhà
Con không chịu giúp bố mẹ việc nhà.
3 tuổi, con đã có thể tự nhặt đồ chơi và 5 tuổi có thể giúp đỡ bố mẹ các công việc vặt như bỏ chén bát vào chậu rửa hay lau dọn bàn ăn. 10 tuổi, con có thể gọt rau củ và nấu bữa tối cho cả gia đình.
Nếu bố mẹ nói thế nào mà con vẫn không chịu phụ giúp việc nhà thì rõ ràng, con đang có biểu hiện hư.
Làm việc nhà sẽ giúp con sống có trách nhiệm và độc lập hơn. Trong cuộc sống tương lai, con sẽ dễ dàng đối mặt với khó khăn thử thách, nhất là cuộc sống xa nhà. Những đứa trẻ lười làm việc nhà thì ngược lại.
Thế nên ngay từ nhỏ, bố mẹ cần dạy dỗ và đôn thúc con việc làm nhà, không nên chiều chuộng mà làm hết cho con.
3. Con không biết chia sẻ
Khi chơi với bạn, con không nhận thức được quy luật "cho đi - nhận lại". Việc phớt lờ nhu cầu của người khác và thiếu sự đồng cảm khiến con dần bị cô lập, không ai muốn chơi đùa cùng. Lúc đó, con buồn chán và bắt đầu đổ lỗi cho người khác.
Những đứa trẻ có tính cách này khi lớn lên sẽ khó hòa nhập với môi trường xung quanh và thường không có bạn bè thân thiết.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ cần dạy con cách chia sẻ với người khác. Nếu con vẫn ích kỷ, hãy phạt bằng cách để con ngồi suy nghĩ về hành động của mình.
4. Con thường nổi cơn thịnh nộ khi không có được thứ mong muốn
Nếu con đang ở độ tuổi khủng hoảng lên 2, lên 3, thì hành động "ăn vạ" có thể chấp nhận được vì con chưa biết cách kiểm soát cảm xúc. Lúc này bố mẹ nên ôm và trấn an con.
Tuy nhiên nếu con đã đến tuổi đi học nhưng vẫn còn "ăn vạ" thì chắc chắn đây là biểu hiện của một đứa trẻ không ngoan. Sau một cuộc đối đầu, nếu bố mẹ mệt mỏi, buồn phiền mà con lại vui vẻ vì đạt được thứ mình muốn thì bố mẹ cần xem xét lại: Liệu mình có đang quá nuông chiều con?
5. Con không thích các hoạt động có tính cạnh tranh
Trong mắt bố mẹ, con luôn là người tài giỏi, thông minh nhất. Nhiều người không tiếc lời tán dương khi con làm tốt một việc gì đó. Vì được khen quá nhiều nên con đâm ra sợ hãi phải tham gia các hoạt động có tính cạnh tranh, vì sợ nếu thua sẽ khiến bố mẹ thất vọng.
Bố mẹ tốt nhất hãy dạy con cách thưởng thức một cuộc chơi, dù có thất bại thì cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là con học được gì từ những thất bại đó.
6. Con nói chuyện với cha mẹ như với bạn đồng trang lứa
Điều này cho thấy bố mẹ chưa làm tốt việc đặt ra các ranh giới, quy định trong gia đình. Con không cảm nhận được uy quyền của bố mẹ, nghĩ rằng mình ngang hàng và có những hành động, lời nói không đúng mực.
Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc con không tôn trọng lời nói, mệnh lệnh của bố mẹ. Để giải quyết điều này, bố mẹ cần đặt ra ranh giới rõ ràng, cũng như nhắc nhở ngay lập tức nếu con có hành vi quá trớn.
7. Con tự cho mình là trung tâm của vũ trụ
Với bố mẹ, con là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhưng nói thế không có nghĩa con có quyền tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, và bố mẹ lúc nào cũng phải chiều theo mọi mong muốn vô lý của con.
Hãy dạy con biết, bố mẹ rất yêu thương con nhưng cũng cần có khoảng không gian, thời gian riêng của mình. Con cần phải tôn trọng điều đó.
8. Con không hiểu giá trị của đồng tiền
Một nghiên cứu của GS, TS David Bredehoft, cựu Chủ tịch khoa Tâm lý học tại Đại học Concordia (Canada) cho thấy những đứa trẻ không biết quý trọng đồng tiền ít có khả năng độc lập về tài chính và có nguy cơ nợ nần cao khi trưởng thành.
Nguyên do bởi trẻ đã quen với việc được bố mẹ đáp ứng mọi mong muốn mà không cần nỗ lực. Khi trưởng thành, trẻ vay tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình mà không nghĩ về hậu quả.
Nếu không muốn con rơi vào tình cảnh này, bố mẹ hãy dạy chúng biết tiền trong nhà từ đâu ra mà có. Nó được đánh đổi từ mồ hôi, công sức của bố mẹ mà ra. Nếu con muốn thứ gì thì hãy cố gắng tiết kiệm tiền hoặc đi làm để có tiền mua được thứ đó.