“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

GD&TĐ - “Ai dư mang đến, ai thiếu lấy về”, đó slogan của “Cửa hàng 0 đồng” - một chương trình từ thiện do TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) khởi lập và triển khai tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Qua hoạt động thiết thực này, những tấm áo, vật dụng, đồ dùng học tập… được chia sẻ đến người nghèo và HS khắp mọi nơi. 

TS Vũ Việt Anh tư vấn, trao đổi cùng HS về các giá trị sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Vũ Việt Anh tư vấn, trao đổi cùng HS về các giá trị sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nuôi dưỡng tình yêu thương

TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh chia sẻ về ý tưởng khởi dựng chương trình: Năm 2010, con gái đầu xin bố mẹ mang một số đồ để tặng cho các bạn trẻ kém may mắn. Sự kiện đó thôi thúc ông cần làm một việc gì đó để nuôi dưỡng tình yêu thương con người, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cô con gái nhỏ.

Ban đầu, gia đình TS Vũ Việt Anh thu gom những đồ còn tốt trong gia đình để quyên tặng nhưng tới tháng 8/2015, được sự ủng hộ của cộng đồng, “Cửa hàng 0 đồng” chính thức được khởi dựng và nhân rộng cho đến ngày nay.

Thấy được ý nghĩa của “Cửa hàng 0 đồng”, nhiều món đồ giá trị được người dân trao tặng. Thậm chí, có cửa hàng quần áo còn tặng lại hơn 1.000 bộ các loại còn nguyên tem mác; nhiều gia đình tặng xe đạp, máy tính, cây lọc nước. Có những cháu bé tặng tủ đồ chơi yêu quý của mình, nhiều doanh nghiệp tặng chuyến xe 0 đồng miễn phí để chở bệnh nhân nghèo, chở công nhân về quê ăn Tết. Cứ thế “Cửa hàng 0 đồng” vững mạnh và hoạt động hiệu quả.

Điều đáng nói, như hiểu được những giá trị tốt đẹp mà “Cửa hàng 0 đồng” mang lại cho xã hội nên ngày càng đông người dân tìm đến, ủng hộ giúp hoạt động ngày càng vững mạnh, hiệu quả và gần như không gặp bất kỳ khó khăn trong quá trình triển khai. Ai đến với chương trình cũng đều hồ hởi và cảm nhận sự hạnh phúc. Người cho thì được sẻ chia, người khó khăn, kém may mắn được hỗ trợ bù đắp.

Được biết, đến nay không chỉ cá nhân, tổ chức xã hội mà khá nhiều trường học cũng tìm đến chương trình mang tính nhân văn cao cả của TS Vũ Việt Anh để hợp tác. Điều đó không chỉ giúp chương trình có thêm nguồn hàng thường xuyên là đồng phục, sách vở, truyện để tặng lại cho HS nghèo… mà còn là cách giáo dục giá trị sống thực tế, sinh động cho HS khi nhà trường kêu gọi, phát động.

Sau 9 năm bắt tay thực hiện ý tưởng, “Cửa hàng 0 đồng” đã lan tỏa tới 6 tỉnh, thành trong cả nước. Một số tỉnh có tới 3 - 4 “Cửa hàng 0 đồng” như Nghệ An, Hòa Bình. Theo chia sẻ của TS Vũ Việt Anh, thời gian tới sẽ phấn đấu có thêm nhiều cửa hàng hơn nữa tại các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại những vùng khó khăn như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn…

Tuy nhiên, TS Vũ Việt Anh tâm sự: “Cuộc sống còn quá nhiều người khó khăn cần tới sự hỗ trợ. Không ít em HS, thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng khó khăn cần sự sẻ chia. Đó là động lực để tôi và những cộng sự hàng ngày nỗ lực kêu gọi các nhà trường, tổ chức cá nhân đồng hành để phong trào này trở thành hoạt động thường xuyên, sẻ chia và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả…”.

Giúp thế hệ trẻ sống không vô cảm

Là một nhà giáo dục, người làm công tác xã hội, được tiếp xúc nhiều, đi nhiều, TS Vũ Việt Anh nhận thấy công tác chăm lo cho cộng đồng của Nhà nước đã có những bước tiến đáng kể. Bên cạnh những bạn trẻ cấp tiến, sẵn sàng tham gia hoạt động xã hội, sáng lập ra các phong trào xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa… vẫn còn không ít HS chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của một công dân.

Không ít bạn trẻ vẫn sống vô cảm, thờ ơ, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ mà không chịu rèn luyện nghị lực, nhân cách sống. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức, nhân cách thông qua các phong trào, các hoạt động trải nghiệm vô cùng cần thiết, bổ ích, lý thú.

Theo TS Vũ Việt Anh, với định hướng phát triển năng lực HS, nhiều nhà trường đã đổi mới các hoạt động giáo dục, trong đó đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho HS. Nhiều trường phổ thông cũng tăng cường các hoạt động kết nối tri thức từ bài học trong CTGDPT với kinh nghiệm thực tiễn nhằm giải quyết các tình huống, vấn đề trong cuộc sống.

Tuy nhiên, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống cho HS chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Còn một số HS vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật như bạo lực học đường, sử dụng trái phép chất ma túy, chất gây nghiện… Việc đưa ra nhiều mô hình giáo dục trải nghiệm giá trị sống vẫn là vấn đề cần đặt ra không chỉ cho ngành Giáo dục mà cần sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Mỗi mô hình, chương trình phải là một hoạt động thiết thực giúp nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng biết ơn trong các bạn trẻ. Bởi dù là những việc tưởng như đơn giản như quyên tặng đồ dùng cũng giúp cho bạn trẻ, HS, SV biết trân trọng giá trị của vật chất, giá trị của lao động.

Quy trình thu gom - phân loại - làm sạch - đóng gói - chuyển tới các địa phương… giúp HS cảm nhận mình may mắn khi có được môi trường sống, cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều người. Từ đó, các em sẽ biết phấn đấu học tập, làm việc tốt hơn, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách tốt.

Qua “Cửa hàng 0 đồng”, tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ thông điệp: Hãy biết trân trọng cuộc sống, những thứ tưởng chừng như không có giá trị với bạn nhưng có thể là một tài sản của ai đó. 
                                                                                  TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.