(GD&TĐ) - Tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), học sinh mầm non của xã đang phải học ở 13 điểm của các nhà văn hóa thôn, và 1 điểm nhờ nhà dân. Trong khi đó, trường học bị bỏ không nhiều năm do xây xong nhưng không đảm bảo chất lượng, an toàn cho học sinh học tập.
Trường mầm non Trường Lâm được xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, dù xây mới nhưng những mảng sơn tường đã bị bong tróc. Nơi cổng trường, rêu mốc đã bám đen lại từng mảng, ngay đến bảng hiệu tên trường cũng đã không còn nguyên vẹn.
Trường mầm non Trường Lâm đã bị bỏ không nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, ông Đỗ Thế Thống cho biết: Trường mầm non Trường Lâm được xây dựng từ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, do UBND xã Trường Lâm làm chủ đầu tư và Công ty Phương Nam (đóng tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia) trúng thầu xây dựng. Tổng số vốn công trình là hơn 1,3 tỷ đồng, nhà thầu ứng được 70% giá trị công trình, đến tháng 9/2010 đã cơ bản hoàn thành. Trong quá trình xây dựng, UBND xã đã thành lập Ban giám sát cộng đồng (gồm MTTQ và các đoàn thể của xã), phát hiện nhà thầu làm không đảm bảo yêu cầu một số hạng mục như: Gạch lát nền, mái che sân chơi, công trình vệ sinh… UBND xã Trường Lâm đã nhiều lần yêu cầu nhà thầu làm lại. Tuy nhiên, đến nay công trình vệ sinh vẫn chưa đảm an toàn để đưa vào sử dụng. Ông Thống nói: “Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu sửa lại một số hạng mục để đảm bảo an toàn và đúng thiết kế. Dự kiến, năm học 2013 – 2014 ngôi trường sẽ đưa vào sử dụng”.
Được biết, toàn xã Trường Lâm có 13 thôn, lứa tuổi mầm non từ 3 - 5 tuổi là hơn 450 học sinh. Hiện tại, có 13 điểm lẻ ở 13 nhà văn hóa thôn và 1 điểm học nhờ nhà dân. Nếu ngôi trường này đi vào hoạt động cũng mới chỉ giải quyết được 1/3 nhu cầu học mầm non của học sinh, và số còn lại vẫn phải học tại các nhà văn hóa thôn.
Trao đổi với phóng viên, cô Lê Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường mầm non Trường Lâm cho biết thêm: Do nhiều điểm lẻ nên việc trang bị cơ sở vật chất, nơi vui chơi cho trẻ còn khó khăn, thiếu thốn. Nhiều điểm, học sinh ba độ tuổi (từ 3 đến 5 tuổi) khác nhau phải học chung trong một lớp. Mặt khác, việc học ở nhà văn hóa thôn còn gặp khó khăn, mỗi khi thôn có hội họp các cháu buộc phải nghỉ học. Vì vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của cô trò nơi đây.
Học sinh thiệt thòi trong quá trình học, cán bộ giáo viên cũng nhiều khó khăn. Cô Lê Thị Hiếu tâm sự: “Văn phòng cho cán bộ giáo viên không có, mỗi khi họp trao đổi nghiệp vụ, 27 cán bộ giáo viên phải ngồi tập trung trong một căn phòng chỉ rộng khoảng 12 m2, vừa là nơi chứa đồ dùng học tập, vừa là phòng làm việc của Hiệu trưởng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm để giáo viên và học sinh nơi đây được làm việc và học tập trong môi trường tốt hơn, đỡ vất vả hơn”.
Nguyễn Quỳnh