Nếu mẹ không giữ chặt tay, có lẽ tôi đã lao thẳng vào và mắng cho em dâu một trận trước mặt những người đang nghe nó nói xấu gia đình chồng. Tại sao mẹ lại có thể quay ra như thế? Tại sao chứ!
Nhà em dâu cách nhà chúng tôi 500m. Mẹ thỉnh thoảng tới để vui chơi với các cháu, cũng tiện trông cháu trong lúc rảnh để em dâu làm việc. Em dâu tôi làm thợ may nên trong nhà lúc nào cũng có khách. Và trong những câu chuyện làm quà thì nói xấu mẹ chồng cũng là chuyện “tương đồng, xả stress” của nhiều người. Chúng tôi nhiều lần mơ hồ đoán được em dâu nói xấu mình những gì khi thấy phản ứng của láng giềng nhưng chưa dịp nào “bắt tận tay” như hôm nay. Thế mà mẹ lại… bỏ lỡ.
Tôi không phải con ruột của mẹ, chỉ là con nuôi. Bố mẹ chỉ có bốn cậu con trai nên luôn khát khao con gái. Vì vậy, lúc có em dâu, bố mẹ quý và chăm sóc, chiều chuộng như con gái, xóm giềng đều biết. Nhưng khi hai đứa em trai cùng kết hôn, bố mẹ có 3 cô con dâu thì mâu thuẫn xảy ra. Đứa này ghen tị bố mẹ thiên vị đứa kia. Và em dâu trưởng bắt đầu cảm thấy mình không còn được thương như trước nữa.
“Hổ cái chung chuồng” hay cảnh “Mẹ chồng nàng dâu” thì đâu thể như chốn thần tiên, bố mẹ đẻ và con cái còn có những mâu thuẫn. Hơn nữa, khoảng cách thế hệ cũng khiến quan điểm giữa bố mẹ và các con dễ vênh nhau nên cũng có lúc tôi phê bình bố mẹ rằng hãy an hưởng tuổi già, lo cho các con ít thôi, quan tâm nhiều, lo nhiều lại nảy sinh tâm lý thích kiểm soát. Nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng ra em dâu trưởng lại có thể dùng những lời lẽ nói xấu bố mẹ chồng với người ngoài như thế.
Vậy mà mẹ quay ra. Là tôi, tôi sẽ đường hoàng bước vào, xem như “bắt tại trận” để dằn mặt. Hoặc lúc ấy, mẹ cứ vào, không nói gì cũng được, chỉ cần để em dâu e dè đoán mò rằng mẹ đã nghe thấy, để biết sợ.
Nhưng kéo tôi về nhà, uống nước, rồi mẹ bảo: “Mẹ không cho mày vào, vì có thể mày lại mắng luôn nó trước mặt người lạ, thiên hạ lại tiếp tục được mẻ cười, và chị em thì có thể ngại gặp nhau. Được lần đó nó ấm ức thì lần sau lại càng dễ nói xấu nhà chồng. Còn mẹ, cảm thấy đắng đót lắm, nếu vào ngay thì chắc không xem như không có gì được. Nên mẹ quay ra”.
Sau đó, mẹ dặn tôi đến bảo em dâu tối rảnh thì về nhà mẹ nói chuyện. Và không ngờ, ngay tối đó, mẹ nói thẳng là mẹ đã nghe thấy những lời em nói nhưng mẹ quay ra. Chỉ nghe thế thôi, em dâu bỗng biến sắc, sợ hãi. Mẹ tiếp tục: “Có gì con không hài lòng, nếu muốn nói thì bây giờ con nói ra đi. Có gì mẹ thấy hiểu lầm, mẹ sẽ giải thích. Nói với thiên hạ, chỉ để họ cười thôi. Con có thể khuây khỏa lúc ấy nhưng cả gia đình to lớn của con thì có thể đang dần vụn vỡ. Thiên hạ chẳng giúp gì mình những lúc nghe chuyện như thế đâu, mà có thể ngày mai câu chuyện của con được kể lại ở nơi khác và đã thành chuyện khác rồi. Đã có lần, người ta kể về những gì con nói nhưng mẹ không chắc đó là thật”.
Tôi im lặng, còn em dâu hạ dáng người thấp hơn, hai tay bối rối; còn gương mặt mẹ trĩu nặng hơn, thể hiện rõ bà đã từng chịu đựng rất nhiều chuyện diễn ra trong gia đình nhưng đã chọn cách im lặng.
Mẹ bảo: “Đàn ông, họ gây ra đổ vỡ bởi những tiếng quát tháo không kiềm chế, bởi những cái vung tay múa chân nóng vội gây sát thương. Những đổ vỡ của họ đột ngột và tan tác. Nhưng sợ hơn là những đổ vỡ liên miên từ từ, những vết rạn ngầm nhằng nhịt dần phá hủy tất cả mọi thứ - mà tất cả lại là do những lời thì thầm nho nhỏ của phụ nữ gây nên. Những hơn thua nhỏ nhặt, những hiềm tị xoay quanh cái áo, rổ rau, mâm bát của phụ nữ cũng có thể phá hủy cả một gia đình, một dòng họ. Và những câu chuyện ấy mang ra khỏi gia đình, càng trở thành gia vị đắng đót nêm nếm vào sự đổ vỡ. Những người đàn ông trong gia đình đổ vỡ với nhau có thể vì chính những người phụ nữ chúng ta. Thế nên làm mẹ của toàn những thằng con trai và con dâu, khó lắm. Các con có từng hiểu cho mẹ chưa. Tại sao những người xa lạ chúng ta lại phải ngồi đây, trong một mái nhà, chung một dòng họ? Muốn xây lên một gia đình thì phải nhẫn nhịn, phải học cách im lặng, học cách chia sẻ thẳng thắn, còn muốn đổ vỡ thì cứ tung hê, cứ la lên với thiên hạ, họ sẽ giúp chúng ta một tay đập vỡ nhanh hơn. Giờ thì các con chọn đi, các con nói với mẹ, hay các con ra ngoài kia làm trò cười cho thiên hạ?”.
Không cần để mẹ nói thêm, em dâu vội ngồi thụp xuống sàn nhà, nắm lấy tay mẹ, rối rít xin lỗi, và xin hứa sẽ không bao giờ như thế nữa. Còn tôi thấm hơn vì sao thiên hạ vẫn mãi khen mẹ tôi một điều là bà không bao giờ than vãn, chỉ trích con dâu với người ngoài và vì sao bố tôi hay nói một điều rằng: “Ngày xưa mẹ mày làm dâu ông bà chẳng ai dám chê trách được điều gì” và cũng hiểu hơn vì sao nhiều cháu nhà chồng lại gần gũi và thương kính mẹ như thế! Bởi khi lấy bố, mẹ đã không chọn tâm thế đi làm dâu, mà mẹ chọn tâm thế muốn gây dựng gia đình của chính mình.