Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo: Giáo viên “thiết kế”, học sinh “thi công”

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ giúp HS có hứng thú hơn trong học tập, mà còn là cơ hội để các em rèn luyện, tích lũy thêm các kỹ năng sống, có điều kiện hơn để phát triển đầy đủ cả đức - trí - thể - mỹ. 

Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo:  Giáo viên “thiết kế”,  học sinh “thi công”

Chính vì vậy, nhiều trường học đã có xu hướng “đổi vai” trong tổ chức hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa, trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, quyền chủ động được trao hoàn toàn cho học sinh.


Học mà chơi

Hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa đã được nhiều trường học ở Đà Nẵng triển khai khoảng hai năm gần đây với mong muốn tạo đà cho cả GV và HS thích ứng với chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Các trường học đã chú trọng nhiều hơn đến việc tạo ra môi trường để HS tự trải nghiệm và lĩnh hội với sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Trường THCS Lương Thế Vinh (Q. Liên Chiểu – TP Đà Nẵng) duy trì đều đặn việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian hàng năm và được xem là hoạt động nổi bật. Ở đó, thông qua những hoạt động tập thể sôi nổi, các em tích lũy được cho mình nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, lắng nghe, đến khả năng ứng xử trước các tình huống phát sinh... Các em phải thảo luận và thống nhất với nhau từ việc trang trí gian hàng sao cho vừa bắt mắt vừa độc đáo, cho đến việc quyết định chọn món ăn gì vừa có thể bán cho các bạn ở lớp khác nhưng phải có tính chất mộc mạc, dân dã.

Có nhiều ý kiến cho rằng, trải nghiệm sáng tạo là đưa học sinh ra ngoài phạm vi nhà trường như đi tham quan, du lịch. Thế nhưng, nếu tổ chức cho HS đi ra ngoài phạm vi nhà trường mà chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, tự bản thân các em thụ động thực hiện kế hoạch của GV, chưa có những hoạt động mang tính chất “trải nghiệm, sáng tạo”. Như cách làm của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng), mỗi tháng, sẽ có một lớp tự tổ chức và biểu diễn một tiết mục hoạt cảnh ca nhạc theo từng chủ đề khác nhau như tôn sư trọng đạo, tình bạn, tình yêu, an toàn giao thông. HS tự chủ động trong mọi khâu, từ phác thảo ý tưởng, lên kịch bản, dàn dựng, phân vai, tập dượt…, thầy cô giáo chỉ góp ý để hoàn thiện kịch bản và tham gia tổng duyệt trước khi biểu diễn. Đó là một trải nghiệm không chỉ giúp HS hình thành được một số kỹ năng, mà còn giúp các em hiểu được ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi tự làm ra một sản phẩm.

Giáo viên cần có bản lĩnh

Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo ngoài là hoạt động gắn với nội dung từng môn học như là một phương pháp dạy học, còn là một hoạt động mang tính giáo dục xuyên môn hoặc liên môn. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường, việc thực hiện hoạt động tính vào thời gian dành cho giáo dục địa phương.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Đà Nẵng) cho biết: “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã tổ chức cho các tổ, nhóm chuyên môn hội ý thống nhất các nội dung để tổ chức nội dung của chương trình học tập trải nghiệm ở bên ngoài nhà trường. Điểm thuận lợi là nhà trường có một vườn thực hành sinh thái ngay dưới chân đèo Hải Vân. Thế nhưng, đây cũng là một thách thức cho GV vì nếu không có nội dung, hình thức, và phương pháp phù hợp và mới lạ qua mỗi lần tổ chức thì rất khó để lôi cuốn HS”.

Cũng có không ít băn khoăn về vấn đề kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thế nhưng, theo như cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Thực tế, cái khó của hoạt động trải nghiệm sáng tạo nằm ở yếu tố con người chứ không phải là kinh phí tổ chức. Các em không thể tự tham gia các hoạt động mà hình thành các kỹ năng sống, rèn luyện nhân cách, kỹ năng được mà phải có sự định hướng của GV. Thế nên, nếu GV không thực sự tâm huyết, không dung hòa được giữa nhu cầu của người học và định hướng của hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không đủ bản lĩnh và kiến thức để giải đáp những thắc mắc của HS thì không thể có hiệu quả như mong muốn được”.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ