Đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh và cả phụ huynh

GD&TĐ - Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) trải nghiệm tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) trải nghiệm tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.

Được tư vấn, hướng nghiệp kỹ, bản thân học sinh có thể định hướng đúng đắn cũng như đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp.

Tích cực tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh

Sở GD&ĐT TPHCM vừa ban hành kế hoạch tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS năm học 2022-2023. Theo đó, từ ngày 30/12/2022 đến ngày 31/5/2023, các trường THCS trên địa bàn TPHCM tổ chức ngày hội tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và học sinh đang học lớp 9. Hình thức là tư vấn chung trên sân khấu và tư vấn riêng tại bàn của các trường học, chuyên gia.

Trong tư vấn chung, nội dung tập trung thông tin thi tuyển vào lớp 10, các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, trung tâm GDTX-GDNN, cũng như các quy định, quy chế, chính sách, học phí, tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó chương trình cung cấp thông tin bản đồ GIS (Hệ Thông tin địa lý) cho phụ huynh và học sinh trên địa bàn,…

Đồng thời, phát hành rộng rãi cẩm nang tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS năm 2023. Nội dung cẩm nang cung cấp đến học sinh và phụ huynh thông tin xung quanh việc tuyển sinh lớp 10, như các trường THPT, chỉ tiêu, nguyện vọng, năng lực thi tuyển vào lớp 10 công lập.

Bên cạnh đó, cung cấp các thông tin tuyển sinh và học phí của các trường ngoài công lập; thông tin ngành nghề đào tạo tại một số trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm nay, chương trình không chỉ chú trọng tư vấn học sinh, phụ huynh cách đăng ký 3 nguyện vọng phù hợp vào lớp 10 công lập, mà còn hỗ trợ các thông tin chọn trường và tổ hợp môn học tự chọn phù hợp năng lực.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường THCS cử 100% giáo viên chủ nhiệm khối 9 tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn do sở tổ chức. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT, trung tâm GDTX-GDNN, điểm chuẩn tuyển sinh các năm học trước, kinh nghiệm đăng ký nguyện vọng,...

Đồng thời giới thiệu rộng rãi cho học sinh và cha mẹ học sinh các kênh tư vấn trực tuyến và trực tiếp về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, giúp các em có thêm điều kiện lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập và điều kiện đi lại của học sinh. Để hỗ trợ công tác tra cứu thông tin tuyển sinh, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT TPHCM) sẽ triển khai fanpage tư vấn trực tuyến mọi vấn đề liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ngoài ra, còn có hệ thống tư vấn trực tuyến cách thức lựa chọn nguyện vọng tại https://tuvannguyenvongTS10.vn cho phép học sinh tìm hiểu thông tin các trường THPT trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, tìm hiểu thêm về các cơ hội trúng tuyển cao đẳng, đại học sau 3 năm học THPT qua hệ thống https://cohoitrungtuyen.vn.

Trường THCS Gò Vấp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Trường THCS Gò Vấp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Nâng cao nhận thức cho phụ huynh

Sớm xác định được hướng đi của mình trong tương lai sẽ hướng về nghệ thuật, em Lê Khôi Nguyên (quận Bình Tân) không đăng ký thi vào lớp 10 công lập mà chọn theo học ngành Quản trị doanh nghiệp, Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM.

Khôi Nguyên chia sẻ: “Mỗi người có quyền chọn hướng đi riêng cho mình. Đây là hướng đi phù hợp với em và gia đình cũng rất ủng hộ. Chọn học nghề ở trường em vừa được học văn hóa vừa có thêm kiến thức cũng như trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp nhà trường cam kết giới thiệu việc làm. Từ đó em sẽ sớm có thu nhập và phụ giúp gia đình”.

Tại Trường THCS Gò Vấp, (quận Gò Vấp), thời gian qua cơ sở này thực hiện tư vấn hướng nghiệp dựa vào kết quả học tập cũng như mục tiêu phát triển nghề nghiệp trong tương lai của học sinh. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chọn hướng đi phù hợp với năng lực là nền tảng để học sinh phát huy thế mạnh của mình cho nghề nghiệp tương lai. Để giúp các em hiểu về công việc thực tế của các ngành nghề, bên cạnh việc mời các trường nghề tư vấn, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan tại các trường nghề.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của cô Thu, khó nhất trong công tác hướng nghiệp vẫn là “rào cản” từ phía phụ huynh. Do đó, trong mỗi chương trình tư vấn nhà trường đều mời phụ huynh tham gia để các bậc phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con em mình trong việc chọn nghề.

“Cùng với chương trình chính thức dạy hướng nghiệp theo quy định chung, mỗi năm học, trường luôn tổ chức cho học sinh tham quan ở các cơ sở như: Trung tâm GDTX quận Gò Vấp, Trường trung cấp nghề Quang Trung, Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành,…

Ngoài ra, nhà trường còn kết nối với một số trường nghề trên địa bàn về tư vấn cho học sinh và cả phụ huynh học sinh. Từ những hoạt động đó, học sinh có thêm góc nhìn về nghề nghiệp, sớm xác định hướng đi của mình và ngày càng nhiều em chủ động chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Năm học 2021-2022 vừa qua, nhà trường có 30 học sinh khối 9 (chiếm 10%) chuyển hướng sang học nghề.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM chia sẻ cho rằng, ngoài hướng nghiệp cho học sinh, cần phải tư vấn cho cả phụ huynh, bởi phần lớn các em lựa chọn nghề nghiệp là từ định hướng của cha mẹ. Phân luồng giáo dục sau THCS là tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh phù hợp năng lực của cá nhân và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Phân luồng giáo dục sau THCS còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.