Hoạt chất kháng oxy hóa từ hạt cây so đũa

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Dược - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng oxy hóa của hạt cây so đũa.

Hạt so đũa chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa.
Hạt so đũa chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa.

Hoạt chất chống lại sự thoái hóa của tế bào

Cây so đũa thuộc họ Fabaceae và có tên khoa học là Sesbania grandiflora (L.) Pers. Cây so đũa là cây thân gỗ, lớn rất nhanh, cao khoảng 7 - 12m, có đường kính từ 30 - 60cm. Quả của cây so đũa có hình trụ, dài khoảng 30 - 35cm, chứa nhiều hạt hình bầu dục, dẹt, màu vàng sậm hoặc nâu.

Hạt so đũa có giá trị dinh dưỡng cao và chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như acid hữu cơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và hàm lượng hợp chất khử cao có tác dụng chống lại sự thoái hóa của tế bào, do đó hạt so đũa có thể được sử dụng làm nguyên liệu thực phẩm dùng trong các món ăn như trộn salad, làm bánh hoặc chế biến thành bột để sử dụng trong nấu ăn.

Trong hạt so đũa có chứa các hợp chất có khả năng chữa bệnh và có tác dụng có lợi cho sức khỏe, có thể được dùng trong dược phẩm và mỹ phẩm. Các hợp chất kháng oxy hóa trong hạt so đũa làm chậm hoặc ngăn chặn được sự gia tăng của các gốc tự do, do đó bảo vệ tế bào và cơ thể.

Hiện nay, nhân dân một số vùng ở miền Nam mới dùng hoa so đũa nấu canh tôm, ở nhiều nước khác, lá non cũng được sử dụng trong các món salad trộn giấm hoặc món xào. Chiết xuất từ lá so đũa có khả năng trung hòa các gốc tự do mạnh hơn so với các chất chống oxy hoá tự nhiên khác, như vitamin C và vitamin E.

Kết quả nghiên cứu so đũa này cho thấy chiết xuất từ lá so đũa có tiềm năng ứng dụng trong việc bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, góp phần phòng ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, và thoái hóa thần kinh.

Theo TS Hoàng Thị Hồng, các nghiên cứu trước đây chủ yếu sử dụng lá cây so đũa, nghiên cứu trên hạt so đũa chưa có nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu thành phần và hoạt tính sinh học của hạt so đũa có ý nghĩa thực tiễn và cấp thiết.

Nhóm nghiên cứu gồm Hoàng Thị Hồng, Nguyễn Đình Long, Trần Ngọc Tuyết Nhi, Đỗ Kim Ngân dùng hạt so đũa rửa sạch, sấy ở nhiệt độ 60 độ C đến khi đạt độ ẩm dưới 12% (theo yêu cầu về độ ẩm hạt được quy định trong Phụ lục 1 của Dược điển Việt Nam V). Mẫu khô được xay nhuyễn và bảo quản trong túi kín. Sau đó tiến hành xác định độ ẩm của nguyên liệu sau xử lý.

Chứng minh khả năng chống oxy hóa

Phương pháp trích ly rắn - lỏng thường được áp dụng để tách chiết hợp chất tự nhiên, do đó nghiên cứu sử dụng phương pháp này trên hạt so đũa. Nguyên liệu ban đầu được trích ly với dung môi ethanol 96%.

Bột hạt so đũa có khối lượng khô là 500g được chiết với ethanol 96% với tỷ lệ 1:8 bằng phương pháp pháp chiết rắn - lỏng ở nhiệt độ phòng, chiết ngâm dầm trong 24 giờ, sau đó lọc thu được dịch chiết.

Tỷ lệ nguyên liệu và dung môi có ảnh hưởng đến hiệu suất quy trình và thời gian cô quay cao. Nếu tỷ lệ này quá nhỏ, dung môi không đủ để rút hết hoạt chất, nếu tỉ lệ này quá lớn gây mất thời gian đun sôi và thời gian cô thành cao đặc.

Ở tỷ lệ 1:8, tuy hiệu suất quy trình thấp hơn so với tỷ lệ 1:9 và 1:10 nhưng hàm lượng hoạt chất là cao nhất. Tỷ lệ này giúp tránh thất thoát các hợp chất đồng thời tiết kiệm được dung môi, thời gian để đun sôi và cô quay. Dịch chiết của các cao sau khi lọc được gom lại, loại dung môi bằng cô quay chân không cho đến khi khối lượng không đổi thu được cao tổng ethanol.

Phương pháp định tính tanin, saponin, flavonoid, polyphenol, glycoside tim, alkaloid, carotenoid, đường khử và acid hữu cơ trong cao ethanol tổng được tiến hành để đánh giá sơ bộ về nhóm hoạt chất có mặt trong hạt so đũa dựa trên phương pháp Cuile đã được cải tiến bởi Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Kết quả, giá trị IC50 của hạt so đũa là khoảng 119,96 μg/mL trong khi đó giá trị IC50 của vitamin C là khoảng 4,92 μg/mL. Kết quả này chứng tỏ cao chiết ethanol của hạt so đũa có khả năng chống oxy hóa.

Trong các nghiên cứu trước đây, chiết xuất từ so đũa có IC50 dao động từ100 đến 200 μg/mL, điều này cho thấy cao chiết hạt so đũa có hoạt tính chống oxy hóa tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với các chiết xuất khác. Khả năng kháng oxy hóa phụ thuộc vào số nhóm-OH phenol hiện diện trong cao.

Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng hạt so đũa cũng chứa nhiều hợp chất sinh học đầy tiềm năng, do trong cao chứa nhiều các chất có hoạt tính cao cần quan tâm như các hợp chất flavonoid, carotenoid, alkaloid và polyphenol là những hợp chất kháng oxy hóa tốt nên sự kết hợp góp phần làm tăng hoạt tính của cao chiết.

Để nghiên cứu sâu hơn về thành phần hoá học và hoạt tính sinh học của hạt so đũa, cần tiến hành các nghiên cứu tiếp theo như nghiên cứu thêm các hoạt tính sinh học khác của cao chiết hạt so đũa như khả năng chống vi khuẩn, chống virus và các hoạt tính khác. Ngoài ra, cần tiến hành khảo sát hoạt tính sinh học trên các cao phân đoạn của cao chiết để xác định các thành phần chính và hoạt tính của chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nữ giáo viên đam mê công tác Đoàn.

Nữ giáo viên đam mê công tác Đoàn

GD&TĐ - Không chỉ giỏi chuyên môn, cô giáo trẻ Nguyễn Vân Anh còn năng động, nhiệt huyết và say mê với các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.