Hoạt chất quý trong loại rau ăn phổ biến
“Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây thuốc sa sâm Việt trên vùng cát biển tỉnh Bến Tre” là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Trường ĐH Tiền Giang và Công ty Dược mỹ phẩm sa sâm Việt. Nghiên cứu đã chỉ ra các hoạt chất quý có tiềm năng chống oxy hóa, được chiết xuất từ lá cây sa sâm trồng ở Bến Tre.
TS Nguyễn Thị Kim Nga, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, từ mấy năm nay, ở huyện Bình Đại (Bến Tre), người dân đã phát triển mô hình trồng cây sa sâm, hay còn gọi là sa sâm nam, hải cúc trườn (Launaea sarmentosa), một loại cây họ Cúc mọc ven biển thường được người dân thu hái tự nhiên làm rau xanh do có tính mát, bổ dưỡng.
Sa sâm là một loại dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ sức khỏe, sắc đẹp. Cây sa sâm có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, plavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh, giúp tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới...
Từ lâu, ngoài việc dùng làm rau ăn thì cây sa sâm vẫn được dân gian dùng làm thuốc, chủ yếu dùng toàn cây để tẩm bổ, nhuận tràng, lợi tiểu, dùng rễ sắc lên để lợi sữa sau sinh, giống bồ công anh, cũng là một cây họ Cúc. Để tìm hiểu sâu hơn giá trị của cây sa sâm Việt, các nhà khoa học đã phân lập, phân tích hoạt tính sinh học và sinh hóa một số hoạt chất từ lá sa sâm.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng tiêu chuẩn giống, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, thu hái cây sa sâm theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc), đồng thời nghiên cứu quy trình sản xuất cao và bột hòa tan từ sa sâm, làm tiền đề sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau.
Các nhà nghiên cứu muốn đi tìm một số hoạt chất hứa hẹn như polyphenol, flavonoid và saponin có lợi cho chống oxy hóa, chống viêm, ung thư, hạ đường huyết và đái tháo đường.
Chất chống oxy hóa dồi dào
Kết quả nghiên cứu cho thấy, lá sa sâm chứa hàm lượng lớn hợp chất polyphenol (290.90 mg GAEs/g), một nhóm hợp chất có lợi cho sức khỏe, hoạt động như chất chống oxy hóa trong cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào 3; thấp hơn là hàm lượng flavonoids (85.47 mg QEs/g), một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật và saponin, một chất chuyển hóa thứ cấp.
Dịch chiết ethanol từ lá có tiềm năng chống oxy hóa với giá trị IC50 là 24.15 μg/mL. Các chất flavonoid và polyphenol từng được chứng minh là có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, chống ung thư mà không ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào… còn saponin có thể giúp chống vi khuẩn.
Theo nhóm nghiên cứu, saponin được cho là có tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương và được dùng làm thuốc bổ chống trầm cảm, suy nhược thần kinh. Sự xuất hiện của các chất này trong cây sa sâm Việt có thể giải thích vì sao dân gian thường sử dụng sa sâm để điều trị một số bệnh trong cuộc sống hằng ngày. Với các đặc tính này, cây sa sâm Việt có thể là một nguồn dược liệu tiềm năng phát triển thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại hai, chống oxy hóa…
Theo Viện Nghiên cứu phát triển ứng dụng tài nguyên dược liệu Việt Nam (iRDA - VMR), tại Việt Nam, cây sa sâm được di thực, bảo tồn phát triển vùng trồng tại vùng đất cát ven biển, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Các nghiên cứu của các nhà khoa học đã xác định dược liệu sa sâm có các hoạt chất mang hoạt tính sinh học như: Chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống đau thắt ngực, chống ưng thư, chống dị ứng... Các nhà khoa học cũng tìm thấy các hợp chất trong sa sâm làm giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường.
Theo kết quả nghiên cứu tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế), sa sâm Việt có hàng loạt tác dụng theo y học hiện đại. Trong đó, cao chiết ethanol 70% lá sa sâm có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Với cao chiết ethanol 70% lá sa sâm, chế phẩm có tác dụng bảo vệ gan, duy trì các chỉ số chức năng gan ở mức gần như bình thường trên chuột thí nghiệm được gây nhiễm độc.