Hoa cúc còn tên khác là kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc, cúc vàng nhỏ, khổ ý, bioóc kim (Tày). Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L.
Cúc là loại cây thảo sống hàng năm, có nhiều cành, cao độ 80 - 90cm. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng, xẻ thành thùy sâu mép có răng cưa. Hoa tự đầu, hình cầu nhỏ, màu vàng, có mùi rất thơm. Hoa mọc đầu cành hay ở kẽ lá. Cúc hoa vàng được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc, ướp chè… Cây được trồng nhiều nhất là ở Nghĩa Trai (Hưng Yên), Nhật Tân (Hà Nội), Hà Nam…
Bộ phận dùng làm thuốc của cúc hoa vàng là hoa. Hoa được thu hái vào mùa thu - xuân (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau) và có thể thu hái từ 5 - 7 đợt. Thu hái vào lúc sáng sớm khi tiết trời khô ráo. Hoa được hái về quây cót sấy sinh (trong 2 - 3 giờ) cho đến khi hoa chín mềm là được, xong đem nén chặt (khoảng 1 đêm) đến khi thấy nước đen chảy ra thì đem phơi nắng nhẹ hay sấy nhẹ cho khô. Cúc hoa đã chế biến có mùi thơm mát, vị hơi ngọt và đắng. Cúc hoa đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
Trà hoa cúc được mệnh danh là liều thuốc tự nhiên tốt nhất
Thành phần hóa học trong hoa cúc vàng có tinh dầu, vitamin A, B1 và một số chất khác như adenin, cholin và sắc tố.
Ngừa ung thư: nghiên cứu mới tại Mỹ phát hiện hóa chất tự nhiên apigenin có trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và khiến chúng nhạy cảm hơn với thuốc trị ung thư. Trà hoa cúc cũng đặc biệt hữu ích với những người làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, ít di chuyển, ăn uống không đủ chất.
Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu hiện đại, hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ trong máu, làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon. Hơn nữa, so với các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt khác, hoa cúc còn giúp sáng mắt, làm tinh thần sảng khoái, hạ huyết áp. Hoa cúc phù hợp với trẻ em và cả những người trưởng thành.
Giải nhiệt: đặc biệt, tác dụng giải nhiệt hiệu quả của loại hoa này sẽ rất tốt cho những người thường xuyên bị nhiệt, nóng bức do làm việc văn phòng. Do đó có thể kết hợp loại hoa này với trà xanh và hoa hòe cho tác dụng tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt, giúp phòng ngừa và chữa trị nhức đầu do nhiệt.
Tiêu độc, nhuận gan: trà hoa cúc kết hợp với hoa kim ngân, bồ công anh sẽ cho phương thuốc giúp tiêu độc, nhuận gan, chữa mụn nhọt, ghẻ ngứa, viêm gan cấp tính. Cũng có thể dùng hoa cúc kết hợp với phục linh giúp cho sắc mặt tươi tắn, làn da sáng mịn, tăng tuổi thọ.
Chữa đau kinh nguyệt: thứ nước trà thơm làm từ hoa cúc trắng còn có tác dụng phòng cảm và loại bỏ các cơn đau thắt do kinh nguyệt gây ra.
Tăng cường miễn dịch: trà hoa cúc chứa nhiều thuộc tính kháng khuẩn có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Nó kích thích sản sinh các tế bào chống lại bệnh tật, giúp các cơ quan bên trong cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Giảm đau đầu: trà hoa cúc cũng có tác dụng làm dịu cơn đau đầu; chủ yếu là vì nó chứa những hợp chất có thể giúp thư giãn hệ thần kinh trung ương và làm giảm đau đầu.
Giúp ngủ ngon hơn: các chất làm dịu thần kinh của trà hoa cúc có thể giúp ngủ ngon hơn. Loại trà này thường được khuyến nghị cho những người bị rối loạn giấc ngủ. Một cốc trà hoa cúc có thể giúp ta ngủ ngon như một đứa trẻ.
Kiểm soát đường huyết tốt hơn: chỉ 1 cốc trà thảo dược này có thể giúp kiểm soát hàm lượng đường huyết, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường. Nghiên cứu chỉ ra rằng loại trà thảo dược này chứa các hợp chất có tác dụng phòng ngừa sự tiến triển của bệnh đái tháo đường.
Hỗ trợ tiêu hóa: loại trà này có hiệu quả cao trong việc loại bỏ nhiều rối loạn liên quan tới hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu ta đang bị trướng bụng, đầy hơi, nên thử loại trà thảo dược này.
Có thể trị chứng lo âu: nhờ tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương của trà hoa cúc có thể cũng giúp làm giảm lo âu và căng thẳng. Vì vậy, loại đồ uống này rất tốt cho tâm trí.
Tóm lại, cúc hoa vàng có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, làm sáng mắt, tăng thị lực, giải độc, hạ huyết áp. Dùng chữa các chứng bệnh nhức đầu chóng mặt, cảm sốt, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, mụn nhọt, lở ngứa. Cách dùng thông thường: uống 8 - 10g/ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, dùng ngoài rửa mắt đau, đắp mụn nhọt.