(GD&TĐ) - Sáng 29/4, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.
|
Triển lãm thu hút đông đảo người dân trong nước và nước ngoài đến tham dự |
Triển lãm đã trưng bày và giới thiệu những nguồn tư liệu lịch sử quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, có 4 nguồn tư liệu chính: Kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng thực hiện; nguồn tư liệu từ 150 bản đồ do ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) gửi tặng; các bản đồ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cung cấp và kết quả nghiên cứu “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu của Chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954 – 1975”.
Cụ thể, đối với nguồn tư liệu từ kết quả nghiên cứu đề tài Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, gồm có: 102 quyển sách xuất bản ở các nước phương Tây tại thế kỷ 17 và thế kỷ 19; những phông tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
95 bản đồ do nhóm nghiên cứu sưu tầm được khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ do Đỗ Bá vẽ, được tập hợp trong tập Hồng Đức bản đồ có ghi chú địa danh Bãi Cát Vàng bằng chứ Nôm; bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Trường Sa bằng chữ Hán; bản đồ Bản quốc địa đồ trong sách Khải đồng thuyết ước khắc in dưới triều Tự Đức có thể hiện địa danh Hoàng Sa Chữ (Bãi Hoàng Sa) bằng chữ Hán; bản đồ Petrus vẽ năm 1594 có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông với tên gọi chung là Pracel, còn vùng lãnh thổ trong đất liền là Costa Pracel…).
Trong số 150 tài liệu bản đồ do ông Trần Thắng gửi tặng, Ban Tổ chức đã tuyển chọn 30 bản đồ trương bày, giới thiệu. Những bản đồ này được xuất bản ở Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ và Hồng Kông trong khoảng thời gian 1626 – 1980.
Trong đó, gồm các nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải Châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Triển lãm cũng trưng bày 3 tập bản đồ (Atlas) do Trung Quốc in ấn, xuất bản các năm 1908, 1919, 1933; trong đó giới thiệu những bản đồ do chính phủ và các cơ quan chính thức của Trung Quốc in, sử dụng trong các thời kỳ lịch sử trước đây, nhưng những tập bản đồ này không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như những gì mà Trung Quốc tuyên bố hiện nay.
Các tập atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong Atlas.
Đây là những tư liệu quý hiếm, rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
|
Những nhân chứng lịch sử Hoàng Sa đứng bên Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938 |
Đối với nguồn tư liệu từ kết quả nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954 – 1975”, được trưng bày triển lãm và giới thiệu lần này gồm hệ thống phông tư liệu khẳng định sự hiện diện thường xuyên của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa và vùng biên phụ cận.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã liên tiếp ban hành những văn bản chính sách về Hoàng Sa, thực thi những hoạt động kinh tế, khoa học tại quần đảo Hoàng Sa; luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong quan hệ quốc tế, hoạt động ngoại giao.
Qua những tư liệu, hiện vật được trưng bày và giới thiệu tại Triển lãm, khẳng định Việt Nam đã xác lập tuyệt đối chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm. Bằng con đường hòa bình và được các triều đại phong kiến Việt Nam, các nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp.
Đồng thời, các tư liệu, hiện vật này cũng chứng tỏ rằng, Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ sự đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đổi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam trên biển Đông.
Triển làm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” sẽ kéo dài từ ngày 29/4 đến 15/5, tại Bảo tàng thành phố Đà Nẵng (24 Trần Phú, Hải Châu, Đà Nẵng).
Dưới đây là một số hình ảnh tư liệu, hiện vật khẳng định Việt Nam đã xác lập tuyệt đối chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm:
Đại Thắng