Dấu ấn để lại
Đội tuyển tham dự Kỳ thi OlympicVật lý quốc tế lần thứ 42 của Việt Nam năm 2011 thắng lớn: 100% thành viên đều có huy chương. Trong đó, có 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương đồng. Các thầy giáo dẫn đoàn cho biết, các em có được thành tích như vậy là nhờ vào một phần kỹ năng thực hành tốt.
Hoàng Lê Phương nhớ lại: “Kì thi Olympic Quốc tế được tổ chức tại Thái Lan năm đó, đối với tôi là rất áp lực. Một phần vì ở kì thi lớn trước đó là kì thi Olympic Vật lý châu Á, tôi đã không được giải. Phần nữa là những anh chị đội tuyển Vật lý của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ở những năm trước có thành tích rất tốt ở kỳ thi này”.
Vì vậy, thời gian đầu, khi tham gia tập huấn ở đội tuyển quốc gia, Phương cho biết, bản thân mình có hơi lo lắng một chút, nhưng càng về sau càng thấy tự tin hơn vì thấy sự tiến bộ rõ rệt của mình trong quá trình tập huấn. Sự động viên của gia đình, những theo dõi sát sao của thầy giáo Ngô Ngọc Thủy, chủ nhiệm đội tuyển của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thời điểm ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho Phương.
Hoàng Lê Phương nhớ lại: “Thầy Thủy luôn căn dặn tôi, không những trong thời gian tập huấn mà xuyên suốt quá trình tôi học tập ở Lê Quý Đôn đó là tính cẩn thận khi làm bài. Đó là điểm yếu khiến tôi mất điểm trong hầu như tất cả các kì thi mà mình tham dự. Đặc biệt, trong thời gian tập huấn thầy còn nhấn mạnh với tôi rằng “Đây là cuộc chiến cuối cùng của thầy trò mình, rằng nếu con muốn có giải thì ít nhất con phải được số điểm gấp đôi số điểm con đạt được ở kì thi châu Á vừa rồi”.
Những nỗ lực của Hoàng Lê Phương đã được đền đáp, xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy giáo và gia đình. Số điểm bài thi của Phương ở Kỳ thi Olympic quốc tế lần thứ 42 cao gấp 4 lần số điểm đạt được ở kì thi châu Á.
“Dù những lời căn dặn của thầy rất ngắn gọn nhưng đã giúp cho mỗi học trò biết được điểm hạn chế của mình, biết được những khó khăn của bản thân đến từ đâu để có cách thoát ra được. Điều này không chỉ giúp tôi đạt được thành tích trong kì thi Olympic Vật lý quốc tế năm đó mà cả với quá trình nghiên cứu của tôi bây giờ. Đó là luôn cận thận tỉ mỉ nhất có thể và coi cái mình làm bây giờ là cơ hội cuối cùng. Nhiều khi bị dồn vào một tình thế khó khăn lại làm cho người ta khai phá được những điều phi thường”.
Xác định mục tiêu ưu tiên ở từng giai đoạn
Thời điểm Hoàng Lê Phương tham gia các đội tuyển, vẫn chưa có chính sách tuyển thẳng cho những HS đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng, với Phương, kỳ thi tuyển sinh đại học không phải là vấn đề lớn. “Ngay từ đầu lớp 12 em đã xác định là mình sẽ dồn hơn 90% tâm sức cho các kì thi học sinh giỏi Vật lý. Tôi tự nhủ sự tập trung luôn là điều quan trọng nhất, nếu quá ôm đồm và dàn trải thì mình sẽ không được gì mà còn mất thời gian và tiền bạc. Năm đó tôi đã rất quyết tâm chinh phục các kì thi mà mình tham dự”.
Còn nhớ thời điểm Phương đạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 42, khi chúng tôi đến nhà riêng để phỏng vấn, TS Hoàng Phương Hoa – bố của Phương chia sẻ rằng gia đình có chút lo lắng khi năm học lớp 11, Phương vẫn đang nằm trong đội dự bị chứ chưa chính thức vào đội tuyển dự thi quốc gia.
Nếu chuyên tâm học các môn thi Đại học, Phương sẽ cầm chắc tấm vé vào giảng đường hơn. Còn theo chuyên môn, Phương phải đạt giải thưởng cấp quốc gia và vào được đội tuyển dự thi cấp quốc tế mới được đặc cách tuyển thẳng. Nghĩ vậy, nhưng bố mẹ Phương không bày tỏ hay khuyên can gì, vì sợ làm con thêm áp lực và lo lăng khi chọn ngã khó.
Phương so sánh: “Cá nhân tôi nghĩ thì thế hệ bây giờ được ưu đãi nhiều hơn so với bọn tôi, ít nhất là việc nếu được giải quốc gia thì sẽ được tuyển thẳng vào Đại học.”.
Từ những trải nghiệm của bản thân, Hoàng Lê Phương cho rằng, chỉ những người có mong muốn theo đuổi việc nghiên cứu Vật lý lâu dài thì mới nên theo đến cùng các kì thi học sinh giỏi. “Còn nếu như chỉ là nhất thời, tức là đến THPT là thôi thì tôi nghĩ thi đến học sinh giỏi Quốc gia là đủ. Còn theo xa hơn thì sẽ rất vất vả và các bạn sẽ phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Phần nhiều là sức khỏe, kế đến là bạn bè”.
Theo Hoàng Lê Phương, những người đã đạt được huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế là những người có tố chất đặc biệt và tài năng đặc biệt. “Với tôi, trong bất cứ các khía cạnh nào của cuộc sống, đều tồn tại sự cạnh tranh. Người tồn tại cuối cùng và có được thành công là người vượt qua được tất cả những điều đó. Và khó hơn tất cả chính là vượt qua được chính mình, là đưa giới hạn bản thân lên một tầm cao mới”.
Hiện Hoàng Lê Phương đang làm nghiên cứu sinh tại Viện M.Planck (Đức). Nơi Phương đang làm việc là trung tâm nghiên cứu Quốc gia sử dụng máy gia tốc hạt để điều tra cấu trúc của vật chất, mục tiêu nghiên cứu là để tạo ra các vật liệu mới giúp tăng tốc độ xử lý thông tin của máy tính hiện đại. Công việc nghiên cứu chuyên sâu cho Phương nhiều cơ hội được thấy ứng dụng của các kiến thức Vật lý đã học và tự tay làm rất nhiều thứ, hiện thực hóa những điều mình đã được học.