Phiên tòa dự kiến kéo dài 4 ngày. 8 luật sư sẽ bào chữa cho 3 bị cáo gồm: Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc công ty xử lý nước Trâm Anh), Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng vật tư - Bệnh viện đa khoa tỉnh).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh). Bị cáo Quốc bị Viện kiểm sát nhân dân TP.Hòa Bình truy tố về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS năm 1999.
Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình); Bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986, Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, Điều 285, BLHS năm 1999.
Khoảng 7h, rất đông người thân của các bị cáo đã có mặt tại cổng TAND TP. Hoà Bình để làm các thủ tục vào phiên xét xử.
7h30 phút, thư ký phiên toà gọi tên những người đại diện cho gia đình các bị hại và các đơn vị, các nhân liên quan đến vụ án cùng các bị cáo.
750 phút, thư ký phiên toà đọc tên kiểm tra đại diện của những người bị hại cũng như các đơn vị, tổ chức có liên quan đến vụ án.
Đúng 8h20 phút, ông Nghiêm Hoài Anh - Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà đọc biên bản khai mạc phiên xét xử. Hai điều tra viên thụ lý vụ án được tòa triệu tập đến tòa.
Tuy nhiên, tại phần làm thủ tục, các luật sư bào chữa cho ba bị cáo đều vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa. Một số đại diện của người bị hại cũng có đơn xin vắng mặt. Cụ thể, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 8 nạn nhân cũng đề nghị hoãn phiên tòa, vì việc đại diện BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vắng mặt sẽ không đảm bảo cho quá trình giải quyết vấn đề bồi thường dân sự. Vắng mặt người bào chữa, cả 3 bị cáo đề nghị HĐXX hoãn tòa để chờ luật sư. Tại phiên xử, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình) cũng có đơn xin vắng mặt.
Trước việc các luật sư đều không có mặt, HĐXX hỏi ý kiến các bị cáo có muốn tiếp tục phiên xử hay không? Bác sĩ Lương trả lời cần phải có sự bào chữa của các luật sư. Hai bị cáo còn lại cũng có ý kiến tương tự và muốn tòa mở lại khi có các luật sư tham gia.
Đại diện VKS cho rằng căn cứ việc vắng mặt của các LS bào chữa cho các bị cáo cũng như mong muốn của cá nhân các bị cáo, đề nghị tòa hoãn phiên xử. Sau ít phút hội ý, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15/5/2018 tới đây.
Theo cáo trạng, Quốc là người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Hai loại hoá chất trên không có trong danh mục được dùng trong y tế.
Tuy nhiên, quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước, đồng thời khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn.
Sơn là người được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt để giám sát.
Vào chiều ngày 28/5/2017, khi giao nhận qua điện thoại, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo. Sơn cũng không báo cáo lãnh đạo phòng và sáng 29/5/2017 có mặt tại đó nhưng Sơn đã để mặc cho đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng xác định rõ, bác sĩ Hoàng Công Lương được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 20/4/2017, Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất và biết rõ việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28/5/2017.
Với trình độ, nhận thức vai trò và trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Vậy mà vào sáng 29/5/2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, ông Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.
Mặt khác, ông Lương vẫn tiếp tục ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường khiến 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết.
Ngay sau đó, Hội đồng chuyên môn đã họp và thấy rằng hệ thống lọc nước RO có vấn đề, phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra.
Đến ngày 22/6/2017, công an đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã có văn bản kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý về trách nhiệm hành chính đối với các cá nhân giữ chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng Phòng Vật tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.