Hoàn thiện tiêu chí giáo dục đạt nông thôn mới: Nơi nắng hạn, chỗ mưa rào

GD&TĐ - Quá trình thực hiện tiêu chí giáo dục đạt nông thôn mới, nhiều địa phương gặp khó khăn...

Khuôn viên Trường Tiểu học Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo.
Khuôn viên Trường Tiểu học Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo.

Để hoàn thành mục tiêu 100% xã trên địa bàn Hải Phòng đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào năm 2025, nhiều địa phương đang “chạy đua” với thời gian đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều địa phương gặp khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất.

Nhiều khó khăn

Ngày 22/3, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững thành phố Hải Phòng họp bàn Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Các tiêu chí giáo dục được quan tâm, đặc biệt về cơ sở vật chất.

Cụ thể, theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, trường học trên địa bàn xã phải đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Thực hiện tiêu chí này, nhiều địa phương khá thuận lợi vì có bước tạo đà, nhưng không ít xã gặp khó khăn.

Ông Cao Văn Rôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng cho hay, các địa phương đang tích cực đầu tư cho giáo dục để hoàn thành tiêu chí giáo dục. Thời gian qua, các trường thuộc 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu như: Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng được đầu tư, quan tâm mạnh mẽ về cơ sở vật chất.

Xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng đang trong lộ trình từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo ông Phạm Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã, địa phương có 3 trường học, trong đó trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.

Đợt này, xã đưa ra mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất cho trường THCS để tiến tới chuẩn mức độ 2, đảm bảo tiêu chí trường chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí NTM. Theo kế hoạch, địa phương được đầu tư 125 tỷ để thực hiện chương trình, trong đó dự kiến mở rộng, xây thêm một dãy 10 phòng học và khu phụ trợ cho trường THCS khoảng 14 tỷ.

Nhưng thực tế, để mở rộng trường THCS còn nhiều vướng mắc. Theo ông Thuấn, khó nhất ở khâu giải phóng mặt bằng, bởi khu đất khoảng 2.000 m2 sau trường là đất nông nghiệp, vận động dân hiến đất rất khó khăn. Địa phương đang bàn tính kêu gọi xã hội hoá để hỗ trợ người dân.

Thầy Nguyễn Cảnh Tuyên - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Lập chia sẻ, trường có 13 lớp với 529 học sinh. Hiện, trường mới đủ phòng học, chưa có phòng học bộ môn. Với những môn học theo Chương trình GDPT 2018 như Âm nhạc, Mỹ thuật, trường tạm thời xây dựng thời khoá biểu cho học sinh học ngay trên lớp.

Trường THCS Đoàn Lập hiện có 5.100m2, nếu đúng quy định về số m2/ học sinh thì thiếu khoảng 700 m2. Nhưng theo tính toán năm học sau có thể tăng lên 1 đến 2 lớp, nếu không được mở rộng thì diện tích của trường nhỏ, tiêu chí cơ sở vật chất không đảm bảo. Vì thế, địa phương tính toán để xây dựng được 10 phòng thì phải có 2.000 m2, là phù hợp với xu thế phát triển của nhà trường.

Học sinh Trường THCS Đoàn Lập trong giờ học.

Học sinh Trường THCS Đoàn Lập trong giờ học.

Quan tâm chưa đồng đều

Ông Đoàn Văn Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, gần đây, có nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư cho giáo dục như: Đồng Minh, Lý học, Hiệp Hoà, Vĩnh Long, Nhân Hoà. Đặc biệt, 3 xã đã và đang hoàn thành tiêu chí về đích nông thôn mới kiểu mẫu là: Tân Liên, Hoà Bình, Tam Đa đều hoàn thiện các tiêu chí về giáo dục. 7 xã trên lộ trình về đích tiếp theo đã xây dựng hồ sơ, đề án trình duyệt. Để đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới, nhà trường cũng đã rà soát báo cáo địa phương, phòng giáo dục và trình sở GD&ĐT.

Xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo có 2 trường mầm non và tiểu học; trường THCS đã sát nhập với trường THCS ở xã Nhân Hoà. Thực hiện chương trình nông thôn mới, xã yêu cầu các nhà trường rà soát cơ sở vật chất, hạng mục còn thiếu báo cáo UBND để trình lên huyện. Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Bí thư Đảng uỷ xã Tam Đa, các trường chuẩn giai đoạn 1 vào năm 2015, theo quy định mới về trường chuẩn, tích cực tham mưu bổ sung một số phòng học chức năng, phòng học theo quy định. Mỗi trường được đầu tư kinh phí để hoàn thiện cơ sở vật chất.

Tại huyện Vĩnh Bảo, Trường Tiểu học Nhân Hoà, xã Nhân Hoà còn thiếu nhiều phòng chức năng như: Thư viện, Thiết bị, Hoạt động đội, tư vấn học đường, phòng họp, kho…Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Nguyệt, trường đạt chuẩn mức độ 1 năm 2003. Để đáp ứng các tiêu chí cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia theo thông tư hiện hành, nhà trường đã tiến hành rà soát. Theo đó, để đảm bảo trường chuẩn quốc gia mức độ 1 phải mở rộng diện tích từ 500- 1.000 m2, xây mới 19 phòng với trang bị các thiết bị dạy học.

Tương tự, Trường Tiểu học Vĩnh An, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo hiện phải xếp lớp học vượt số học sinh theo quy định từ 10-15% do thiếu giáo viên. Trong khi đó phòng chức năng còn thiếu, nhiều phòng học được xây dựng từ lâu, nhỏ hẹp, xuống cấp khó khăn cho đổi mới phương pháp dạy học. Theo kế hoạch của địa phương, đến năm 2023 trường được mở rộng thêm khoảng 700 m2.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Thành chia sẻ thêm, tại huyện Vĩnh Bảo, một số xã chưa đầu tư cho giáo dục nhiều như Liên Am, Hùng Tiến… Đa phần địa phương này gặp khó về quỹ đất. Bởi chương trình nông thôn mới kiểu mẫu phụ thuộc vào việc người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình. Khi dân chưa thuận thì khó có thể thực hiện.

Chẳng hạn như xã Vĩnh An, chính quyền rất quan tâm tới giáo dục nhưng đang “bí” ở quỹ đất. Nhưng cũng có địa phương do lãnh đạo chưa nắm được các tiêu chí mới về xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Thông tư 13 nên cho rằng nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia rồi nên không cần đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.