Hội thảo do Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu tinh thần cầu thị của hội thảo là mong muốn lắng nghe các ý kiến hiến kế của đại diện các tỉnh, thành để tiến tới hoàn thiện các chính sách phát triển GD-ĐT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTT) và miền núi (MN).
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Các chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, MN được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các Chương trình, Đề án, Dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn...
Nhờ đó, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến đáng kể: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với CBQL, GV và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, GD-ĐT vùng DTTS, MN còn một số bất cập, hạn chế. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, MN.
Đội ngũ GV, CBQL giáo dục nhiều nơi còn bất cập, năng lực sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục của một bộ phận giáo viên còn hạn chế.
Quy mô và mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vùng DTTS, MN có bước phát triển mạnh về số lượng, nhưng chất lượng đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho các địa phương còn chưa hợp lý.
Việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn một số hạn chế…
Hội thảo này đánh giá tình hình thực hiện các chính sách GD&ĐT đối với đồng bào DTTS, MN, từ đó đề ra một số định hướng và giải pháp trong thời gian tới, nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN.