Cùng tham tham dự chương trình làm việc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện vụ, cục chuyên môn của Bộ. Về phía tỉnh Đắk Nông có bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục của tỉnh.
Chương trình dự kiến kết thúc vào lúc 16h30 nhưng do nhiều ý kiến của các thầy cô giáo đóng góp nên kéo dài đến 18h.
Mong muốn lắng nghe ý kiến của CBQL, GV
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác thăm và đối thoại với HS một lớp học Trường THPT DTNT N"Trang Lơng. Ảnh: CC |
Trước khi tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã dành thời gian thăm một số lớp học và cơ sở vật chất tại Trường THPT DTNT N"Trang Lơng. Trò chuyện với HS một số lớp học, Bộ trưởng mong muốn lắng nghe những phát biểu của các em về các chính sách dành cho HS dân tộc thiểu số nói riêng và các chính sách giáo dục chung của toàn ngành.
Nhiều HS chia sẻ rất hài lòng với các chính sách của nhà nước dành cho HS dân tộc thiểu số. Em Điểu Trinh – HS lớp 12A1 của trường phát biểu, mong Bộ trưởng xem xét chính sách hỗ trợ cho HS người dân tộc thiểu số thêm một tháng (tháng 6). Vì hiện chính sách hỗ trợ của ngành chỉ có 9 tháng (đến tháng 5) trừ 3 tháng hè, tuy nhiên tháng 6 vẫn nằm trong tháng thi nên nhiều em rất khó khăn. Bộ trưởng ghi nhận đây là ý kiến chính đáng và đề nghị các bộ phận liên quan ghi nhận để có những đề xuất điều chỉnh chính sách hợp lý trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, người đứng đầu ngành GD&ĐT mong muốn lắng nghe những chia sẻ của lãnh đạo ngành GD&ĐT Đắk Nông và của các thầy cô giáo về các vấn đề liên quan đến giáo dục của tỉnh nói nói riêng và các chính sách của ngành nói chung. Cụ thể là làm sao tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT Quốc gia 2019, những khó khăn và thuận lợi khi triển khai chương trình GDPT mới, tăng giảm biên chế của ngành, giảm áp lực cho GV, làm sao để không xảy ra bạo lực học đường…
Ông Nguyễn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung đề nghị Bộ GD&ĐT có công văn đẩy mạnh công tác truyền thông các chủ trương chính sách trong ngành GD nói chung và kỳ thi THPT quốc gia nói riêng. Ảnh: CC |
Ý kiến của các CBQL, GV tại buổi làm việc tập trung vào những khó khăn trong quá trình điều hành tại địa phương, như: GV nghỉ thai sản tìm người dạy thay thì rất khó làm hợp đồng và thanh quyết toán; việc sáp nhập các điểm trường, các trường còn nhiều khó khăn khi nhiều địa bàn có diện tích rất rộng; áp lực về số sách của GV vẫn còn nhiều; kinh phí mua sắm cơ sở vật chất do tiết kiệm gặp nhiều khó khăn; phụ cấp ưu đãi thâm niên còn một số điểm cần điều chỉnh, như làm hiệu trưởng thì được 10tr nhưng lên lãnh đạo phòng chỉ còn 6tr nên rất khó động viên CBQL.
Bên cạnh đó việc chuyển đổi từ trường công sang tư chưa có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ nên rất khó triển khai; nhiều kế toán chuyển sang đi học mầm non gây nhiều khó khăn cho công tác văn phòng…
Cô Phạm Thị Hà – Trưởng phòng GD&ĐT TX Gia Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. ẢNh: CC |
Các vấn đề liên quan Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đại diện các vụ, cục chuyên môn của Bộ và lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Nông trực tiếp trả lời.
Đặc biệt, liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh làm sao để kỳ thi có được kết quả trung thực nhất, nhẹ nhàng, an toàn và minh bạch.
Bộ trưởng nêu lưu ý để ngành GD Đắk Nông phát triển
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, cho biết tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục (tăng 2,3 lần so với năm học 2003-2004), 10.306 CBQL-GV-NV và gần 170.000 HS (HS tăng 1,6 lần so với năm học 2003-2004).
Trong đó, mầm non có 126 trường (35.743 trẻ); Tiểu học có 149 trường (71.080 HS); THCS có 79 trường (42.983 HS); THPT có 33 trường (19.185 HS); 01 TTGDTX tỉnh, 7 Trung tâm GDNN-GDTX huyện.
Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt 1,7 GV/1lớp; tiểu học: 1,4 GV/lớp; THCS: 1,9 GV/lớp; THPT:2,25 GV/lớp. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở bậc học Mầm non, Tiểu học là 100%, THCS: 99,69%, THPT là 100%.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông phát biểu |
Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, toàn tỉnh có 8 trường PTDTNT (tăng 2 trường so với năm 2008), 41.110 HS dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 24,2%).
Về tổng thể, mạng lưới trường PTDTNT đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập cấp THPT trong hệ thống các trường PTDTNT toàn tỉnh là giải pháp mạnh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc, tạo nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cũng chia sẻ tỉnh đang đối diện với một số khó khăn, do là một tỉnh miền núi, biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, học vấn còn nhiều chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; đội ngũ CBQLGD, GV, nhân viên đa phần còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác thăm cơ sở vật chất Trường THPT DTNT N"Trang Lơng. Ảnh: CC |
Phát biểu kết luận chương trình làm việc, Bộ trưởng liệt kê từng ý kiến và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của ngành GD Đắk Nông. Đặc biệt, tỉnh đã tạo cơ hội cho nhiều trẻ em tiếp cận GD, đây là một cố gắng rất lớn. Nhiều chủ trương chính sách của ngành được tỉnh triển khai rất tốt, tuy nhiên nhu cầu mong muốn được tốt hơn nên làm cho chúng ta luôn thấy chưa đáp ứng được hết.
Bộ trưởng lưu ý về những thay đổi chính sách khi triển khai chương trình GDPT mới, cụ thể là cán bộ các cấp lãnh đạo của ngành GD Đắk Nông phải đi trước một bước trong việc nhận thức tìm hiểu về chương trình. Từ đó, quán triệt CB-GV nghiên cứu tìm hiểu sâu chương trình GDPT mới.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo ngành GD Đắk Nông lưu ý các vấn đề về quy hoạch mạng lưới GD, việc thực hiện chương trình SGK mới, phát triển lực lượng GV, công tác tư vấn học đường, quan tâm đến GV cá biệt... để giáo dục địa phương ngày càng phát triển tốt hơn.