Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất 7 vấn đề trọng tâm cần Viettel hỗ trợ: Thứ nhất, phía Viettel hỗ trợ Bộ GD&ĐT triển khai phần mềm phục vụ học sinh đăng ký cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới; đặc biệt hỗ trợ rà soát phần mềm liên quan đến bảo mật đề thi, quản lý thi, chấm đi của Bộ GD&ĐT đảm bảo giảm thiểu tối đa việc có lỗ hổng trong phần mềm và trang bị tốt nhất có thể về mặt công nghệ.
Thứ hai, Viettel hỗ trợ Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Đây là hình thức rất hay, hiện đang được kết nối đến cấp tỉnh; bước tiếp theo, Bộ mong muốn kết nối đến cấp phòng GD&ĐT, thậm chí là cấp cơ sở GD. Mục đích là để phục vụ công tác điều hành từ Bộ đến các nhà trường.
Thứ ba, về cơ sở dữ liệu. Theo Bộ trưởng, đây là nội dung cần đặc biệt quan tâm. Bộ đã có dự thảo về chuẩn cơ sở dữ liệu, chuẩn kết nối. Rất mong Viettel hỗ trợ và góp ý trước khi ban hành. Về hạ tầng máy chủ, Bộ trưởng đề xuất, phía Viettel rà soát lại để có quy hoạch tổng thể.
Thứ tư về kho liệu tri thức số hóa. Bộ trưởng mong muốn Tập đoàn Viettel tăng cường hỗ trợ để thực hiện nội dung này.
Thứ năm về đào tạo từ xa, Bộ trưởng đề xuất Tập đoàn Viettel hỗ trợ về công nghệ để có thể tổ chức bồi dưỡng online cho đội ngũ nhà giáo; trước mắt là cán bộ Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; sau đó là giảng viên sư phạm, hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông và giáo viên.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thứ sáu, về cơ sở dữ liệu đối với giáo viên. Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên. Mong muốn của Bộ là mỗi giáo viên sẽ có một ID.
Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ có trách nhiệm kê khai những thông tin cá nhân như: Quá trình nghề nghiệp, những thay đổi và tiến bộ cá nhân… Đó phải là những thông tin trung thực, minh chứng rõ ràng. Từ đó, Bộ có thể biết được bức tranh tổng thể về giáo viên, biết được nơi nào thiếu, nơi nào thừa để có tham mưu kịp thời với Chính phủ. Nói cách khác, từng giáo viên sẽ được số hóa cơ sở dữ liệu của mình.
Thứ bảy về hỗ trợ truyền thông. Bộ trưởng mong muốn Tập đoàn đẩy mạnh truyền thông về chủ trương của ngành đến từng giáo viên, thậm chí là phụ huynh và HS thông qua mạng xã hội học tập ViettelStudy và kênh truyền thông điện tử cho ngành mà Viettel đang xây dựng cho ngành Giáo dục.
Đồng hành, hỗ trợ cùng với Bộ GD&ĐT
Cho rằng, hiếm có Bộ trưởng nào quan tâm sốt sắng đến ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại tá Nguyễn Thanh Nam – Phó Tổng GĐ tập đoàn Viettel nhấn mạnh: Chúng ta đã hội tụ các điều kiện cần thiết, vấn đề còn lại là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai bên.
Trước những đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại tá Nguyễn Thanh Nam trao đổi: Hiện đã có các phầm mềm liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia; phía Viettel sẽ tham gia sâu hơn nhằm khắc phục những bất cập (nếu có); đặc biệt là khâu bảo mật. Với những phần mềm khác mà Bộ đã có, Viettel sẽ tham gia với tư cách phản biện.
Về truyền hình trực tuyến, Đại tá Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, trước mắt có thể làm đến cấp phòng GD&ĐT. Tinh thần là, chỗ nào mà Viettel đã cơ sở hậ tầng thì sẽ mở rộng, phát huy. Chỗ nào chưa có nhưng cần thiết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện. Quan trọng hiệu quả, chất lượng và kế thừa, phát huy những cái đã có.
Đại tá Nguyễn Thanh Nam (giữa) trao đổi tại buổi làm việc |
Về cấp ID cho giáo viên, phía Viettel sẽ đồng hành cùng với Bộ GD&ĐT. ID đó sẽ xuyêt suốt cho đến lúc giáo viên nghỉ hưu. Thông qua ID của giáo viên, Bộ có thể nhìn thấy toàn bộ lộ trình nghề nghiệp của họ và tất cả phải minh bạch, rõ ràng. Nếu thống nhất, hai bên phải quyết tâm làm và phải làm đúng luật.
Về các đề xuất khác, phía Viettel sẽ đồng hành, hỗ trợ Bộ GD&ĐT trên tinh thần đồng thuận và hiệu quả.