Hội thảo diễn ra sáng 22/11, tại Hà Nội.
Với hơn 50 đề xuất đăng kí viết báo cáo khoa học, tham luận, trải qua quá trình phản biện độc lập và biên tập, 22 bài viết đã được chọn đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo. Điều này chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của chủ đề hội thảo đối với các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trên cả nước, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – thông tin: Năm 2015, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ thực hiện khung phát triển bền vững mới. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về Chương trình nghị sự 2030.
Đầu năm 2019, Việt Nam công bố danh mục các Chỉ tiêu thống kê về Phát triển bền vững của Việt Nam làm công cụ để quốc gia hóa khung SDG và đảm bảo cam kết từ các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, liên quan đến các vấn đề về lao động, việc làm Việt Nam đã và đang nâng cao năng lực thu thập dữ liệu để hỗ trợ giám sát các mục tiêu SDG.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sau hơn hai năm đại dịch, cùng với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraine đã làm cho hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022 (giảm 1,2% so với dự báo tháng 1/2022).
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, gia tăng bất bình đẳng.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua. Tính trong quý II năm 2022, Việt Nam vẫn còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.
PGS.TS Trần Quang Tiến (ngoài cùng bên phải) và các chuyên gia khác chủ trì, điều hành hội thảo. |
Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.
Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông.
80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo). 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%. 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ. 7,1% công nhân lao động học tin học.
PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm - Trưởng Bộ môn Luật lao động - Trường ĐH Luật Hà Nội tham luận tại hội thảo về Pháp luật lao động với chính sách việc làm, an ninh và linh hoạt nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. |
Trong bối cảnh đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam”.
Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về các nội dung liên quan đến hoàn thiện khung lý thuyết, chính sách, pháp luật về việc làm; thực trạng thực thi chính sách, pháp luật về việc làm tại Việt Nam... Từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hội thảo được chia thành 2 phiên: Phiên 1 với chủ đề “Chính sách pháp luật về việc làm và vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ. Tại Phiên thảo luận này sẽ có 3 tham luận gồm: Pháp luật lao động với chính sách việc làm, an ninh và linh hoạt nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; Thực trạng chính sách, pháp luật về việc làm ở Việt Nam hiện nay và hướng hoàn thiện; Vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc hoạch định chính sách việc làm ở Việt Nam hiện nay.
Phiên 2 với chủ đề “Quan hệ pháp luật về việc làm – những vấn đề pháp lý đặt ra”. Tại Phiên thảo luận này sẽ có các tham luận: Quan hệ pháp luật việc làm dưới góc nhìn của tổ chức lao động quốc tế, một số quốc gia trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam; Hoàn thiện pháp luật bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; Những vấn đề pháp lý đặt ra về việc làm đối với lao động di cư trong nước nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.