Phiên họp có chủ đề “Tư vấn hoàn thiện các mô hình giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục 2019” dưới sự chủ trì của GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban.
Xác định hướng phát triển của hệ thống GDTX phù hợp
Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT), tại Việt Nam, mạng lưới cơ sở GDTX phủ kín trên phạm vi toàn quốc. Theo số liệu năm học 2019-2020 của Bộ GD&ĐT, trên toàn quốc có 621 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX/trung tâm GDTX cấp huyện và khoảng 71 trung tâm GDTX công lập cấp tỉnh; 6 trường bổ túc văn hóa; 3.974 trung tâm ngoại ngữ-tin học; 10.917 trung tâm học tập cộng đồng.
Nhìn chung, hệ thống cơ sở GDTX trong những năm qua đã đóng góp đáng kể trong việc cung ứng các chương trình GDTX thúc đẩy việc học tập suốt đời góp phần trong việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, trước nhu cầu học tập suốt đời của người dân ngày một tăng nhanh, hệ thống cơ sở GDTX công lập khó có thể đáp ứng đầy đủ về mặt quy mô, chất lượng và sự thích ứng. Điều này sẽ dẫn đến ở cấp vĩ mô cần xác định hướng phát triển của hệ thống GDTX phù hợp với tính luật pháp và tính thực tiễn mà xã hội đòi hỏi.
Liên quan đến định hướng hoàn thiện mô hình GDTX theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Vụ GDTX đề xuất mở rộng loại hình Trung tâm GDTX bao gồm trung tâm công lập và tư thục. Cụ thể hóa nhiệm vụ của trung tâm GDTX, mở rộng một số chức năng có tính thực tiễn. Tăng cường giao quyền cho giám đốc Trung tâm quyết định thành lập các tổ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm. Bổ sung thêm Tổ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong trung tâm. Khuyến khích tự chủ có lộ trình kết hợp với giao quyền, tăng tính giải trình cho giám đốc.
Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm GDTX. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của các tổ chức liên quan như: Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, trách nhiệm của sở GD&ĐT, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập Trung tâm; bổ sung chức năng hợp tác quốc tế đối với trung tâm.
Đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX, Vụ GDTX đề xuất chỉ quy định cho loại hình trung tâm công lập đang hiện hữu tồn tại trong thực tiễn hiện nay (có khoảng gần 600 trung tâm); các trung tâm này hiện nay chưa có quy chế tổ chức và hoạt động. Cụ thể hóa nhiệm vụ của trung tâm GDTX, mở rộng một số chức năng có tính thực tiễn. Khuyến khích tự chủ có lộ trình kết hợp với giao quyền, tăng tính giải trình cho giám đốc.
UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm; Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với Trung tâm theo thẩm quyền. Bổ sung trách nhiệm của các tổ chức liên quan như: Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND cấp; Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND cấp huyện; Trung tâm. Bổ sung chức năng hợp tác quốc tế đối với trung tâm… Điều chỉnh cơ cấu tổ chức của trung tâm theo hướng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư. Khuyến khích hình thành mô hình trung tâm theo hướng cộng đồng tự quản. Bổ sung trách nhiệm của các tổ chức liên quan. Bổ sung chức năng liên kết, phối hợp đối với trung tâm…
Cần tập trung các chính sách cho xây dựng hệ thống GDTX mở
Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các mô hình GDTX giai đoạn 2021-2025, GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời đề cập trước tiên đến phương diện tổ chức.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc sáp nhập Trung tâm học tập cộng đồng với Trung tâm văn hóa, thể thao tại cấp xã, đánh giá cách làm này trong khuôn khổ các điều về GDTX trong Luật giáo dục hiện hành. Tương tự như vậy, Chính phủ cần có kết luận về việc sáp nhập trung tâm GDTX với trung tâm dạy nghề cấp huyện.
GS.TS. Phạm Tất Dong cũng đặt vấn đề, nên chăng phải đặt lại việc tổ chức trường CĐ hoặc ĐH cộng đồng cho người lớn, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức, kỹ thuật viên cần phải hoàn thành những nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của vị trí làm việc.
Cùng với đó, cần xác định ranh giới quản lý công việc dạy nghề giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ GD&ĐT. “Theo tôi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ quản lý các trường CĐ nghề và trung cấp nghề. Còn các cơ sở dạy nghề với tên là trung tâm thì nhập vào cơ sở GDTX do Bộ GD&ĐT quản lý. Hệ thống GDTX sẽ đặt trong lòng các cộng đồng dân cư, trở thành cơ sở giáo dục tại cộng đồng, vì cộng đồng, do cộng đồng và của cộng đồng” - GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Trưởng tiểu ban GDTX cũng cho rằng, cần tập trung các chính sách cho việc xây dựng hệ thống GDTX mở; trong hệ này không có bất cứ rào cản nào đối với việc học suốt đời của mỗi công dân.
Mở các cơ sở GDTX tại các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, công trường... để tổ chức việc học tập của người lao động tại nơi làm việc vì công việc. Các cơ sở này cũng mang tính mở.
GDTX cần huấn luyện cho mọi người dân tại cộng đồng biết sử dụng các thiết bị như máy tính bàn, máy tính bảng, ipad, smartphone... để có thể học tại nhà, học mọi lúc mọi nơi. Hệ thống đánh giá công nhận kết quả học tập suốt đời phải công nhận kết quả tự học, học vượt cấp học, học không chính quy một cách bình đẳng với học tập chính quy, tạo nên văn hóa học tập trong nhân dân.
Cuối cùng, xây dựng mô hình “Công dân học tập” là chức năng của mọi cơ sở GDTX. Từ đó, mỗi người dân dù học tập ở đâu cũng phải phấn đấu theo đúng tiêu chí công dân học tập do Nhà nước ban hành.
Kết thúc phiên họp, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng khẳng định để triển khai Luật Giáo 2019 về giáo dục thường xuyên cần có các quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản chính sách dưới Luật, đặc biệt, những quan điểm chính sách mới cho GDTX thể hiện những đổi mới trong Luật Giáo dục 2019 đã ban hành cần được thể hiện trong Chiến lược Giáo dục 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045.
Tại phiên họp, các chuyên gia đã có những trao đổi liên quan đến hoàn thiện các mô hình GDTX theo quy định tại Luật Giáo dục 2019; chính sách phát triển GDTX; định hướng lâu dài của việc xây dựng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam; định hướng xây dựng mô hình quản lý các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trong Luật Giáo dục 2019…